Fintech và tác động tới ngành tài chính ngân hàng trong chuyển đổi số
Fintech (Công nghệ tài chính) và tác động tới chuyển đổi số trong tổ chức tài chính ngân hàng. Blog chuyendoi.so. Ảnh: internet |
- Định nghĩa: Fintech là gì?
- Phân loại: có những nhóm fintech nào?
- Hệ sinh thái Fintech: 5 thành phần trong hệ sinh thái là ai? Liên quan như thế nào?
- 6 Mô hình kinh doanh: Fintech kiếm tiền bằng cách nào?
- 5 xu hướng chủ đạo của Fintech trên thế giới năm 2018?
- Bức tranh Fintech ở Việt Nam: cơ hội và thách thức?
Trong bất cứ thời điểm nào, chúng ta đều có thể quay trở lại các khung lý thuyết về chuyển đổi số, tham khảo lại các xu hướng công nghệ quan trọng cũng như đặt các câu hỏi trong phần Bình luận bên dưới để được giải đáp!
Nào mình cùng bắt đầu nhé!
Định nghĩa: Fintech là gì?
Fintech (viết tắt của Financial Technology) là:
computer programs and other technology used to support or enable banking and financial services.
tạm dịch là:
Fintech (Công nghệ tài chính) là các chương trình máy tính và công nghệ được sử dụng để hỗ trợ hoặc kích hoạt các dịch vụ ngân hàng và tài chính.Chúng ta đều có thể thấy công nghệ đang thúc đẩy tiến trình công việc và quy trình trong ngành dịch vụ tài chính rất mạnh mẽ. Các công việc trước đây được xử lý bằng tiền giấy, các máy tính cồng kềnh và tương tác của con người một cách thủ công giờ đây được hoàn thành hoàn toàn theo các phương thức và trên các giao diện số. Với mức độ phổ biến của các dịch vụ tài chính trên khắp thế giới, cơ hội đột phá cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (fintech) là rất lớn.
Phân loại: có những nhóm fintech nào?
7 nhóm fintech: rô bốt tư vấn, blockchain, công nghệ bảo hiểm, công nghệ quản lý, ngân hàng số, thanh toán chuyển tiền... |
- Rô-bốt tư vấn và tài chính cá nhân (Robo-advisors and Personal Finance)
- Công nghệ Blockchain và tiền ảo Bitcoin (Blockchain and bitcoin)
- Công nghệ bảo hiểm (Insurtech = Insurance Technology)
- Công nghệ quản lý (Regtech = Regulatory Technology)
- Ngân hàng số (Digital Banks)
- Dịch vụ thanh toán và chuyển tiền (Payments & Remittances)
- Các phương án tài chính thay thế (Alternative Finance)
Hệ sinh thái Fintech: 5 thành phần trong hệ sinh thái là ai? Liên quan như thế nào?
Theo báo cáo phân tích Fintech: Hệ sinh thái và mô hình kinh doanh (Fintech: Ecosystem and Business Models) của In Lee, trường Khoa học máy tính, Đại học Western Illinois của Mỹ, thì hệ sinh thái Fintech gồm có 5 thành phần cơ bản: (1) Các công ty khởi nghiệp dịch vụ tài chính (fintech startups) (ví dụ trong các mảng thanh toán, quản lý tài sản, cho vay, huy động vốn từ cộng đồng, thị trường vốn và các công ty bảo hiểm); (2) Các nhà phát triển công nghệ (technology developers) (ví dụ: phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tiền ảo, mạng xã hội...); (3) Chính phủ (ví dụ, cơ quan quản lý tài chính và lập pháp); (4) Khách hàng dịch vụ tài chính (cá nhân và tổ chức), và (5) Các tổ chức tài chính truyền thống (ví dụ, ngân hàng truyền thống, công ty bảo hiểm, chứng khoán, và các công ty môi giới và các nhà đầu tư mạo hiểm).
5 thành phần trong hệ sinh thái fintech: khởi nghiệp fintech, chính phủ, các nhà phát triển công nghệ, khách hàng tài chính, tổ chức tài chính truyền thống. Nguồn: In Lee, ĐH Western Illinois |
- Các khởi nghiệp fintech: ở vị trí trung tâm của hệ sinh thái fintech. Các công ty này mang đậm tinh thần khởi nghiệp, đã và đang thúc đẩy các đổi mới sáng tạo chủ đạo trong các lĩnh vực thanh toán, quản lý tài sản, cho vay, huy động vốn, thị trường vốn và bảo hiểm bằng cách giảm chi phí vận hành, nhắm tới nhiều thị trường ngách (niche) hơn, và cung cấp nhiều dịch vụ được cá nhân hóa hơn các công ty tài chính truyền thống. Người tiêu dùng, thay vì dựa vào một tổ chức tài chính duy nhất để thỏa mãn các nhu cầu của mình, đang bắt đầu lựa chọn các dịch vụ họ muốn từ các công ty khác nhau. Ví dụ ở Mỹ, một người tiêu dùng có thể quản lý các khoản vay thông qua SoFi, trong khi sử dụng PayPal cho các khoản thanh toán, Rocket Mortgage cho các khoản thế chấp và Robinhood để quản lý chứng khoán. Các nhà đầu tư mạo hiểm và quỹ đầu tư tư nhân hỗ trợ và có lợi khi tạo ra các công ty khởi nghiệp fintech và mức đầu tư tăng lên đáng kể theo thời gian.
- Các nhà phát triển công nghệ cung cấp nền tảng số như các mạng xã hội, việc phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh và dịch vụ di động, v.v. Các nhà phát triển công nghệ tạo ra môi trường thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp fintech triển khai các dịch vụ sáng tạo nhanh chóng. Phân tích dữ liệu lớn có thể được sử dụng để cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa độc đáo cho khách hàng và điện toán đám mây có thể được sử dụng cho các công ty khởi nghiệp fintech thiếu vốn tiền mặt để triển khai các dịch vụ trên nền tảng web với một phần chi phí tự phát triển cơ sở hạ tầng nội bộ. Các chiến lược giao dịch theo thuật toán có thể được sử dụng làm cơ sở cho các dịch vụ rô-bốt quản lý tài sản (robo-advisor) với chi phí thấp hơn nhiều so với các dịch vụ quản lý tài sản truyền thống. Các mạng xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển cộng đồng khi huy động vốn từ cộng đồng (crowfunding) hay cho vay cá nhân-cho-cá nhân (P2P lending).
- Chính phủ đã tạo một môi trường pháp lý thuận lợi cho fintech kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tùy vào các kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia và chính sách kinh tế, các chính phủ khác nhau có thể đưa ra các quy định khác nhau (như cấp phép dịch vụ tài chính, giảm bớt các yêu cầu về vốn, và ưu đãi thuế) cho các công ty khởi nghiệp fintech để kích thích đổi mới fintech và tạo điều kiện cạnh tranh tài chính toàn cầu. Mặt khác, từ năm 2008, các tổ chức tài chính truyền thống đã chịu sự điều chỉnh nghiêm ngặt hơn, các yêu cầu về vốn và báo cáo từ các cơ quan quản lý. Các ưu đãi hay giảm bớt yêu cầu cho các khởi nghiệp fintech cho phép họ đem lại các dịch vụ tài chính cá nhân hóa, rẻ và dễ tiếp cận hơn cho người tiêu dùng so với các tổ chức truyền thống.
- Khách hàng tài chính là nguồn doanh thu cho các công ty fintech. Trong khi các tổ chức lớn là nguồn thu quan trọng, thì nguồn doanh thu chủ yếu cho các công ty fintech là các khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Một cuộc khảo sát cho thấy việc sử dụng các dịch vụ fintech phổ biến nhất trong nhóm các khách hàng trẻ tuổi, giàu có. Những người sử dụng fintech đầu tiên có xu hướng là những cá nhân có hiểu biết về công nghệ, trẻ, thành thị và có thu nhập cao hơn. Hiện nay, giới millenials (những người từ 18 đến 34 tuổi, sinh khoảng năm 1980-2000) chiếm một phần tiêu dùng fintech đáng kể ở hầu hết các quốc gia. Các chỉ số nhân khẩu học cho thấy sự thuận lợi cho các công ty fntech, trong vào thập kỷ tới các millenial am hiểu công nghệ sẽ chiếm phần lớn dân số và thúc đẩy sự tăng trưởng các dịch vụ tài chính công nghệ.
- Các tổ chức tài chính truyền thống cũng là động lực chính trong hệ sinh thái fintech. Sau khi nhận ra sức mạnh đột phá của fintech và để giảm bớt cơ hội tác động của fintech trên thị trường, các tổ chức tài chính truyền thống giờ đây đang đánh giá lại các mô hình kinh doanh hiện tại của họ và phát triển các chiến lược để chủ động đổi mới sáng tạo fintech.
6 Mô hình kinh doanh: Fintech kiếm tiền bằng cách nào?
Cũng theo báo cáo phân tích Fintech: Hệ sinh thái và mô hình kinh doanh, có 6 mô hình kinh doanh của fintech cho các dịch vụ: thanh toán, quản lý tài sản, huy động vốn từ cộng đồng, cho vay, thị trường tài chính và dịch vụ bảo hiểm. Chúng ta sẽ dành thêm thời gian phân tích từng mô hình bởi nó có thể hé lộ nhiều cơ hội đột phá cho chính các tổ chức tài chính và cả các fintech tại Việt Nam trong quá trình sáng tạo sản phẩm dịch vụ mới, đem lại tăng trưởng số cho doanh nghiệp.
6 mô hình kinh doanh của Fintech: Thanh toán, Quản lý tài sản, huy động vốn từ cộng đồng, cho vay, thị trường tài chính, và dịch vụ bảo hiểm. |
- Mô hình kinh doanh Thanh toán (Payment): tương đối đơn giản so với các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác. Các công ty fintech tập trung vào các khoản thanh toán có thể thu được khách hàng nhanh chóng với chi phí thấp hơn và là một trong những động thái nhanh nhất trong việc đổi mới và có được các năng lực thanh toán mới.
Hai thị trường thanh toán fintechs là (1) thanh toán cho người tiêu dùng và bán lẻ và (2) thanh toán bán buôn và doanh nghiệp. Thanh toán là một trong những dịch vụ tài chính bán lẻ được sử dụng nhiều nhất hàng ngày, cũng như một trong những dịch vụ tài chính được quản lý ít nhất. Theo BNY Mellon, fintechs thanh toán cho người tiêu dùng và bán lẻ bao gồm ví di động, thanh toán di động P2P (người tới người), ngoại hối và kiều hối, thanh toán ngay lập tức và các giải pháp tiền số. Các dịch vụ này cải thiện trải nghiệm của khách hàng, những người tìm kiếm trải nghiệm thanh toán xuyên suốt về tốc độ, tính tiện lợi và khả năng truy cập đa kênh. - Mô hình kinh doanh quản lý tài sản (Wealth management): Một trong những mô hình kinh doanh fintech quản lý tài sản phổ biến là các nhà quản lý tài sản tự động (robo-advisors), cung cấp tư vấn tài chính cho một phần nhỏ giá của một nhà cố vấn thực. Chúng hoạt động bằng cách sử dụng thuật toán để gợi ý một tập hợp các tài sản để đầu tư dựa trên sở thích và phong cách đầu tư của khách hàng. Mô hình kinh doanh này mang lại lợi ích từ việc thay đổi nhân khẩu học và hành vi người tiêu dùng yêu thích chiến lược đầu tư tự động và thụ động, cấu trúc phí đơn giản và minh bạch, và tính kinh tế hấp dẫn cho phép mức đầu tư thấp tối thiểu hoặc gần như không có.
- Mô hình kinh doanh huy động vốn từ cộng đồng (Crowdfunding):
Huy động vốn từ cộng đồng bao gồm ba bên: (1) người khởi xướng dự án hoặc doanh nhân cần tài trợ, (2) những người đóng góp có thể quan tâm hỗ trợ mục tiêu hoặc dự án và (3) tổ chức điều phối tạo điều kiện cho sự tham gia giữa những người đóng góp và người khởi xướng. Tổ chức điều phối cho phép những người đóng góp truy cập thông tin về các sáng kiến và cơ hội tài trợ khác nhau để phát triển sản phẩm/ dịch vụ.
Các mô hình phổ biến nhất là huy động vốn cộng đồng dựa trên phần thưởng, tùy theo đóng góp tự nguyện và trên vốn chủ sở hữu. Huy động vốn từ cộng đồng dựa trên phần thưởng là lựa chọn gây quỹ hấp dẫn cho hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và dự án sáng tạo. Trong trường hợp có bất kỳ lãi suất nào được tính vào số tiền huy động vốn từ cộng đồng, người vay đặt lãi suất mà họ cảm thấy thoải mái và có thể đảm bảo hoàn tiền trong khoảng thời gian quy định. Đổi lại khoản quỹ từ những người ủng hộ, doanh nghiệp thông thường sẽ gửi lại một số loại phần thưởng. Huy động vốn từ cộng đồng dựa trên đóng góp tự nguyện là một cách để kiếm tiền cho một dự án từ thiện bằng cách yêu cầu các nhà tài trợ đóng góp tiền. Huy động vốn từ cộng đồng dựa trên vốn chủ sở hữu là một lựa chọn hấp dẫn đối với các công ty vừa và nhỏ (SMEs) khi yêu cầu vốn tăng khiến các doanh nghiệp này ít được ưu tiên bởi các ngân hàng truyền thống. - Mô hình kinh doanh cho vay (lending): Cho vay người tiêu dùng ngang hàng (P2P, Peer-to-Peer) và cho vay doanh nghiệp ngang hàng (P2P) đang là một xu hướng chủ đạo khác trong fintech. Fintechs cho vay P2P cho phép các cá nhân và doanh nghiệp cho nhau vay và mượn tiền. Với cấu trúc hiệu quả, các công ty fintech cho vay P2P có thể đưa ra mức lãi suất thấp và cải thiện quy trình cho vay giữa người cho và người vay. Một khác biệt nhỏ nhưng cũng quan trọng so với một ngân hàng là những fintech này về mặt kỹ thuật không liên quan đến việc cho vay, mà chỉ đơn giản là kết nối giữa người cho vay với người cần vay và thu phí của người dùng.
- Mô hình kinh doanh thị trường vốn (Capital markets): Các mô hình kinh doanh mới của fintech nắm giữ toàn bộ các lĩnh vực thị trường vốn như đầu tư, ngoại hối, giao dịch, quản lý rủi ro và nghiên cứu. Một lĩnh vực đầy hứa hẹn của thị trường vốn fintech là giao dịch (trading). Fintechs giao dịch cho phép các nhà đầu tư và thương nhân kết nối với nhau để thảo luận và chia sẻ kiến thức, đặt hàng để mua và bán hàng hóa và cổ phiếu, và theo dõi rủi ro theo thời gian thực. Một lĩnh vực khác của mô hình kinh doanh thị trường vốn fintech là các giao dịch bằng ngoại tệ. Các giao dịch bằng ngoại tệ là một dịch vụ bị chi phối bởi các tổ chức tài chính. Fintechs giảm các rào cản và chi phí cho các cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào các giao dịch ngoại tệ trên toàn thế giới. Người dùng có thể xem giá trực tiếp và gửi/ nhận tiền bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau một cách an toàn trong thời gian thực, tất cả thông qua thiết bị di động của họ. Fintechs cung cấp dịch vụ này có thể làm như vậy với chi phí thấp hơn nhiều, thông qua các phương thức thanh toán quen thuộc hơn với các khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp.
- Mô hình kinh doanh dịch vụ bảo hiểm (Insurance): Trong các mô hình kinh doanh fintech bảo hiểm, fintechs sẽ tạo ra một mối quan hệ trực tiếp hơn giữa công ty bảo hiểm và khách hàng. Họ sử dụng phân tích dữ liệu để tính toán và đối chiếu các rủi ro và vì nhóm khách hàng tiềm năng mở rộng, khách hàng được cung cấp sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của họ (ví dụ: bảo hiểm xe hơi, nhân thọ, y tế và trách nhiệm). Họ cũng tăng cường hiệu quả với các quy trình thanh toán chăm sóc sức khỏe. Mô hình kinh doanh fintech bảo hiểm dường như được các đơn vị bảo hiểm truyền thống chấp nhận dễ dàng nhất. Công nghệ này cho phép các công ty bảo hiểm mở rộng việc thu thập dữ liệu của họ sang các nguồn phi truyền thống để bổ sung cho các mô hình truyền thống, cải thiện việc phân tích rủi ro của họ.
5 xu hướng chủ đạo của Fintech trên thế giới năm 2018?
Forbes có đưa ra phân tích về 5 xu hướng Fintech hàng đầu của năm 2018, gồm: công nghệ di động (mobile technology), ngân hàng chỉ có hiện diện số (digital-only bank), Công nghệ sinh trắc học (Biometric technologies), Công nghệ Blockchain, Trí tuệ nhân tạo (AI, Artificial intelligence).
5 xu hướng fintech năm 2018. Nguồn (tiếng Anh): Forbes |
- Công nghệ di động: Khi ngày càng có nhiều người sử dụng các thiết bị di động, các dịch vụ tài chính sẽ cần di động. Theo Khảo sát người tiêu dùng ngân hàng số năm 2018 (PWC's 2018 Digital Banking Consumer Survey) của PwC, số người thích sử dụng điện thoại thông minh để giao dịch ngân hàng đã tăng lên. Với ngân hàng trên di động, khách hàng có thể quản lý tiền mà không cần đến một chi nhánh thực.
- Ngân hàng chỉ hiện diện số (digital-only bank). Xu hướng mạnh mẽ đối với ngân hàng di động đã dẫn đến một số lượng lớn các ngân hàng kỹ thuật số không có chi nhánh hay phòng giao dịch. Chúng đặc biệt phổ biến với các millennials (những người ở độ tuổi 18-39, sinh từ những năm 1980-2000), những người thường sử dụng điện thoại thông minh cho các giao dịch tài chính. Ví dụ về các ngân hàng kỹ thuật số là Revolut và N26. Các ngân hàng này cung cấp các ứng dụng cho phép khách hàng quản lý tiền khi đang di chuyển. Không còn băn khoăn gì nữa, việc ghé thăm các chi nhánh ngân hàng sẽ giảm mạnh trong tương lai gần.
- Công nghệ sinh trắc học: Trong thời đại số, ngành tài chính ngày càng có nguy cơ bị tấn công mạng. Vì vậy, an ninh bảo mật đã trở thành ưu tiên hàng đầu cho các fintech. Một trong những cách để ngăn chặn gian lận là áp dụng công nghệ sinh trắc học. Tuy nhiên, bảo mật không phải là lý do duy nhất để sử dụng việc xác thực sinh trắc học. Công nghệ này cũng giúp việc đăng nhập vào các ứng dụng trở nên dễ dàng và nhanh hơn.
- Công nghệ Blockchain: Ngành tài chính là một trong những ngành đầu tiên thử nghiệm blockchain. Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp fintech sử dụng công nghệ blockchain bởi tính minh bạch của nó. Một lợi thế nữa của blockchain là các hợp đồng thông minh có thể tự động hóa các hoạt động tài chính. Vì vậy, các tổ chức tài chính được kỳ vọng sẽ tiếp tục tập trung vào công nghệ này.
- Trí tuệ nhân tạo (AI): Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng AI sẽ có tác động lớn đến fintech trong tương lai gần. Có một số lý do khiến fintech sử dụng AI. Trước hết, AI tự động hóa các công việc như phân tích dữ liệu, do đó giúp tiết kiệm một lượng thời gian đáng kể. Công nghệ này cũng được sử dụng để tạo ra chatbots và robo-cố vấn. Nhưng quan trọng hơn, AI có thể giúp phát hiện gian lận bằng cách theo dõi các mẫu hành vi của khách hàng.
Fintech cũng có những hạn chế và thách thức nhất định, đặc biệt là việc thu hút khách hàng và mức lợi nhuận. Do đó các fintech sẵn lòng hơn trong việc hợp tác và điều chỉnh mô hình kinh doanh.
Bản thân các ngân hàng, các tổ chức tài chính, bảo hiểm.... cũng đã xây dựng các chiến lược để đảm bảo họ vẫn phù hợp và có tính cạnh tranh. Nhiều đơn vị tiến hành các chiến lược đổi mới sáng tạo, mua lại, hợp tác hoặc tự xây dựng fintech riêng của mình. Mối quan hệ yêu-ghét-thân giữa các tổ chức tài chính trong ngành với các fintech vẫn đang còn thay đổi. Một điều ta có thể chắc chắn là fintech không chỉ được nhìn nhận như một mối nguy, và cũng không thể lờ đi được.
Bản thân các ngân hàng, các tổ chức tài chính, bảo hiểm.... cũng đã xây dựng các chiến lược để đảm bảo họ vẫn phù hợp và có tính cạnh tranh. Nhiều đơn vị tiến hành các chiến lược đổi mới sáng tạo, mua lại, hợp tác hoặc tự xây dựng fintech riêng của mình. Mối quan hệ yêu-ghét-thân giữa các tổ chức tài chính trong ngành với các fintech vẫn đang còn thay đổi. Một điều ta có thể chắc chắn là fintech không chỉ được nhìn nhận như một mối nguy, và cũng không thể lờ đi được.
Bức tranh Fintech ở Việt Nam: tiềm năng, cơ hội và thách thức?
Bức tranh Fintech Việt tháng 03/2017. Nguồn: Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Mekong Business Institute (MBI). |
Theo thống kê tại Việt Nam tính đến tháng 3/2017 có 48 fintech trong 9 mảng khác nhau, với 22 đơn vị trong mảng thanh toán (chiếm 48%).
Thống kê 48 fintech tại Việt Nam tháng 3/2017. Nguồn: Fintech News |
Có vẻ như chính các đơn vị này cũng đang loay hoay trong hành trình thu hút khách hàng sử dụng các công nghệ di động (ứng dụng, QR code, v.v.) và bài toán kinh tế, lợi nhuận.
Rất nhiều ông lớn trong mảng công nghệ và các doanh nghiệp viễn thông cũng đã tham gia vào thị trường với các giải pháp của mình như VNG với Zingpay/ Zalopay, FPT, Viettel với VTPay, VTC với VTCPay, VinaPay/ VNPay, v.v.Trong thống kê chưa bao gồm fintech của chính các ngân hàng, tập đoàn tài chính như Quickpay, Savy của TPBank, VPDirect của VPBank hay các doanh nghiệp đang có đầu tư mạnh vào đổi mới sáng tạo, như ACB, VIB, Shinhan Bank, Bảo Việt... hay các hợp tác giữa ngân hàng VPBank với Timo, giữa Momo với Standard Chartered Bank và gần đây với Sunlife trong cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Tháng 3/2018 tại Hà Nội, VietinBank chính thức thông báo về Thỏa thuận Hợp tác với công ty Fintech - Opportunity Network (ON) để cung ứng Dịch vụ Kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa.
Các ngành tài chính khác như bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ, tài sản, v.v. dường như vẫn đang "nghe ngóng" tình hình và chưa có nhiều đột phá (hoặc mình chưa được biết?)
Hệ sinh thái fintech Việt Nam có sự tham gia tích cực và được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm, các vườn ươm như VinaCapital, Topica, VIISA, nest, Expara, BTIC, v.v. Đúng là quốc gia khởi nghiệp, chưa khi nào mình thấy nhiều quỹ, nhiều khởi nghiệp, nhiều "cá mập"... như bây giờ! Chương trình "shark tank" trên truyền hình thu hút rất nhiều quan tâm, chú ý của mọi người. Mình có biết nhiều đơn vị ICO/ phát triển tiền ảo và đã/sắp phát hành cũng thuê "quân" ở Việt Nam để vận hành. Chứng tỏ phải có lý do nào đó - như năng lực công nghệ, khả năng sáng tạo... ở người Việt?
Ngân hàng nhà nước cũng đang nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech, phù hợp với chủ trương và định hướng của Chính phủ Việt Nam về việc tạo lập môi trường pháp lý và kinh doanh thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia đến năm 2025”. Có vẻ như về chủ trương thì đã rõ, vướng mắc chủ yếu là trong vấn đề triển khai và tạo hành lang pháp lý thiết thực cho các fintech phát triển. NATEC (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN) cũng đang vào cuộc mạnh mẽ về nội dung này.
Nhìn vào ví dụ Singapore Fintech Festival (12-14/11/2018) thu hút tới 30.000 người từ hơn 100 quốc gia tham dự, mình nghĩ fintech Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, và các ngân hàng có thể nghiên cứu kỹ hơn chiến lược copetition (hợp tác cạnh tranh) với fintech. Để hệ sinh thái này phát triển lành mạnh, đúng hướng thì sẽ còn nhiều việc phải làm! Trong 3-5 năm tới, đơn vị nào sẽ nổi lên dẫn dắt trong hệ sinh thái này?
PS: Huệ đang tham gia một dự án về phần này dự kiến triển khai trong năm sau (hi vọng!) Rất tò mò và mong được chia sẻ bản cập nhật về tổng thể các fintech Việt Nam, cũng như các chiến lược của các ngân hàng về nội dung này. Nếu ai đang làm trong mảng này, có thông tin hay nhận định nào thú vị xin chia sẻ!
Nguồn tham khảo
- Fintech: Ecosystem and Business Models, của In Lee, School of Computer Sciences, Western Illinois University, Macomb, IL USA
- Here's everything you need to know about the fintech ecosystem
- Everything You Need To Know About The Top Five FinTech Trends Of 2018
- Fintech in Vietnam Update and new Infographic 2017
- Fintech Vietnam Ecosystem Report 2017 by MBI (Mekong Business Intiative)
- Thúc đẩy hệ sinh thái Fntech tại Việt Nam
- VietinBank hợp tác với Fintech - Opportunity Network: Kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa
- Singapore Fintech Festival