5 mảng cần lưu ý trong chuyển đổi số


5 mảng cần lưu ý trong chuyển đổi số

Trong chuỗi bài viết này, chúng ta sẽ đứng từ góc độ một doanh nghiệp trong ngành để xem xét về chuyển đổi số, với 3 nội dung chính:
  1. 5 mảng cần lưu ý trong chuyển đổi số (bài viết này)
  2. 4 động lực chuyển đổi số 
  3. 4 nguồn lợi thế cạnh tranh truyền thống không còn đúng
Chuyển đổi kỹ thuật số có khả năng đột phá theo nhiều cách khác nhau. Theo ông Dave Rogers, giảng viên Executive Education của Đại học Columbia thì có năm lĩnh vực mà chúng ta nên đặc biệt lưu ý.

Dữ liệu (Data)

Đầu tiên là dữ liệu. Dữ liệu có ở khắp mọi nơi: trên các mạng xã hội, di động, v.v. Các công ty không chỉ thu thập một lượng lớn dữ liệu có sẵn từ người tiêu dùng, mà còn vận dụng hiệu quả để thúc đẩy kinh doanh, bán sản phẩm.
Waze chẳng hạn. Waze là một ứng dụng tận dụng dữ liệu di động của mọi người, GPS để xác định khi nào, ở đâu có ùn tắc giao thông và dùng mạng xã hội để người dùng thể hiện kẹt xe là do tai nạn, hay đang có xây dựng, hoặc vật cản. Bằng cách tận dụng dữ liệu đó, họ đem lại giá trị cho người dùng và có thể nhân rộng giá trị đó trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Huệ nghe tới Waze lần đầu khi học MBA ở Manila, và khi đó tối thứ 6 các tuyến đường ra vào Manila tắc khủng khiếp, nhất là các đợt nghỉ lễ và giáng sinh. Waze ra mắt năm 2006 tại Israel và Waze Mobile được Google mua lại năm 2013, ước tính khi đó có gần 50 triệu người dùng.
Ở Việt Nam thì mình biết có VOV giao thông cũng đang thực hiện việc này trên sóng đài phát thanh, tuy nhiên có vẻ kết nối vẫn dạng điện thoại, tin nhắn, chứ không qua internet và mạng xã hội? Cả trang web và mobile app cũng không thân thiện lắm?
Các nhà mạng cũng đã khá linh hoạt khi tận dụng dữ liệu này và phát triển các sản phẩm (gọi là LBS - Location-based services), rồi bán dữ liệu cho các nhà bán lẻ, ngân hàng, bảo hiểm, v.v.
Một điều thú vị khi mình đi MRT ở Sing mấy năm trước và hơi sốc, chiếc điện thoại cùi bắp Nokia của mình hiện ở góc dưới bên trái màn hình chính xác luôn vị trí mà mình đứng (VD: Bras Basah, Dhoby Ghaut, v.v.) (mình không thấy hiện khi dùng ở Việt Nam). Cũng tò mò dữ liệu này ai thu thập và sẽ dùng làm gì?

Sự đổi mới/ sáng tạo (Innovation)

Mảng thứ hai là sự đổi mới/ sáng tạo. Trong nền kinh tế số, chúng ta thấy khả năng thử nghiệm và triển khai nhanh chóng các đổi mới, sáng tạo mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Chính điều này lại càng đẩy nhanh chu trình đổi mới và cho phép các công ty chạy thử nghiệm sản phẩm real-time (ngay tức thì) và với chi phí rất thấp. Facebook có thể cung cấp các tính năng mới và các dịch vụ mới trên nền tảng của mình để vừa test, vừa học, vừa sửa và vừa kiếm tiền ngay và luôn.

Cạnh tranh

Mảng thứ ba là cạnh tranh. Một trong những sự thật về chuyển đổi số là nó giúp những người chơi mới tham gia ngành dễ dàng hơn. Do vậy, chúng ta có thể kỳ vọng gia tăng cạnh tranh trong bất kỳ lĩnh vực nào mà chuyển đổi số có tác động. Một trong số đó là nó bắt đầu làm mờ ranh giới giữa các ngành khác nhau. Các công ty đã từng là đối tác lại trở thành đối thủ. GAFA hay GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft) cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nhiều lĩnh vực khác nhau của không gian số.
Chắc không cần giải thích nhiều thì các nhà mạng cũng đều thấy cạnh tranh tới từ các OTT (Over-the-top) như Viber, whatsapp, messenger, zalo, v.v. hay các banks cũng đang lo sốt vó với fintech (ví điện tử, cổng thanh toán, dịch vụ tài chính, v.v.)?

Giá trị

Mảng thứ tư bị ảnh hưởng là giá trị tạo ra cho khách hàng. Có thể dễ dàng thấy những cách mới để phân phối giá trị thật sáng tạo, tận dụng công nghệ số. Uber tận dụng mạng xã hội và công nghệ di động để đem lại định vị giá trị mới cho khách hàng đang tìm kiếm dịch vụ di chuyển.

Khách hàng

Mảng cuối cùng, khách hàng. Chính khách hàng cũng đang thay đổi. Tính phổ biến của thông tin giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm, ra quyết định sáng suốt hơn. Có vẻ chính vì thế họ cũng ít trung thành hơn. Hãng bán lẻ đồ điện tử Best Buy gặp phải vấn đề là nhiều khách hàng tới cửa hàng của họ, lấy mẫu các sản phẩm khác nhau, sau đó, ngay tại cửa hàng, rút ​​điện thoại di động ra, vào Amazon và mua sản phẩm trên đó. Thử hỏi ở Việt Nam có bao nhiêu người chỉ sở hữu 1 tài khoản ở 1 ngân hàng? Bao nhiêu người dùng 2+ sim điện thoại? Rõ ràng là khách hàng ngày càng trở nên tinh vi hơn, ít trung thành hơn với thương hiệu và sản phẩm. Điều này cũng có nghĩa là cuối cùng thì các nguồn lợi thế cạnh tranh cũ đa phần sẽ biến mất.

Nguồn

  • Disruption is not new, khóa học Digital Transformation trên Coursera: https://www.coursera.org/learn/bcg-uva-darden-digital-transformation/
  • Wave: en.wikipedia.org/wiki/Waze
  • VOV giao thông: www.vovgiaothong.vn/

Nhận xét

Bình luận. Vui lòng không spam, không quảng cáo, không công kích cá nhân. Hãy sử dụng từ ngữ phù hợp và đóng góp tích cực!

Lưu trữ

Biểu mẫu liên hệ

Gửi