Nhìn lại lịch sử sự đột phá

Sự đổi mới, đột phá không phải là mới!
Hãy cùng nhìn lại một chút lịch sử các đột phá (disruption) trong các ngành nhé?
Nếu các anh chị có thể nghe được tiếng Anh thì xem video này: A Historical Perspective 

Khi nói về chuyển đổi số, chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng đây là một hiện tượng mới, và chỉ vài năm gần đây mới bắt đầu tác động đến kinh doanh. Thực tế thì theo các nghiên cứu, chuyển đổi số và sự đột phá trong các ngành (disruption) theo cách này hay cách khác đã xảy ra ít nhất hơn 50 năm rồi.

Đồng hồ Thụy Sĩ tới Casio rồi Apple Watch

Rất nhiều anh chị mê mẩn và sưu tập những chiếc đồng hồ cổ, và nói tới đồng hồ ai cũng nghĩ tới Thụy Sĩ. 8/10 thương hiệu nổi tiếng nhất đến từ Thụy Sĩ: Rolex, Omega, Patek Philippe, Longines, Breitling, TAG Heuer, Piaget,  Breguet. 2 thương hiệu còn lại - Cartier (Pháp), Montblanc (Đức) đều sử dụng thợ đồng hồ, kỹ thuật sản xuất của Thụy Sĩ để đảm bảo cho tay nghề, chất lượng và giá trị của đồng hồ luôn cao nhất. Trong nhiều năm, Thụy Sĩ nổi tiếng là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về đồng hồ cơ, chuyên gia về các cấu phần và bánh răng siêu nhỏ để tạo ra những kiệt tác tinh xảo. Rồi đồng hồ kỹ thuật số vào cuối những năm 60 với các nhà sản xuất đến từ Nhật Bản như Casio, đã tiếp quản thị trường. Các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ phải vật lộn với sự trỗi dậy công nghệ mới này. Tin tốt là những năm 1980, họ đã quay lại nhấn mạnh phong cách và thiết kế tận dụng công nghệ mới. Giờ thì ngoài việc xem giờ, rất nhiều người muốn xem nhịp tim, theo dõi số bước đi trong ngày, rồi tập luyện thể thao, và chúng ta có một loạt các đồng hồ thông minh (Apple Watch, Fitbit, Misfit, Samsung Gear, Ticwatch, v.v.) 

Máy đánh chữ Remington rồi IBM Selectric

Trong hơn 100 năm, máy đánh chữ là công nghệ thống trị các văn phòng trên khắp thế giới. Máy đánh chữ Remington là đơn vị dẫn đầu thị trường trong nhiều ngành và ở nhiều thị trường có tới 80% thị phần, như New York chẳng hạn. Sau đó, IBM Selectric nổi lên vào năm 1962 và sau đó là các máy xử lý văn bản trong thập niên 1970. Máy đánh chữ Remington phá sản trong thập niên 80 và 90. Điều thú vị là chính IBM cũng là một nhà sản xuất máy chữ quay trở lại nguồn cội máy kinh doanh (IBM = International Business Machines Corporation). Chính họ cũng đột phá ngành của mình và đi đầu trong máy tính cá nhân.

Máy ảnh Kodak, Nikon

Kodak là một trong những công ty mạnh nhất thế giới về công nghệ chụp ảnh, dẫn đầu thị trường sản xuất phim. Máy ảnh kỹ thuật số và sau đó là các điện thoại thông minh trỗi dậy và Kodak phá sản. Nghe thì câu chuyện có vẻ đơn giản nhưng điều đáng nói là chính Kodak đã nhìn thấy và đầu năm 1980 đầu tư hàng tỷ đô vào chuyển đổi kỹ thuật số (digital imaging) nhưng đã thất bại. Ở góc độ khác, Nikon lãnh đạo thị trường phim máy quay, nhận thấy phải chuyển dịch và tập trung vào thế mạnh trong sản xuất ống kính.

Điện thoại Nokia, BlackBerry, Palm tới iPhone

Công nghệ di động phát triển mạnh mẽ những năm 1990, và hàng loạt các công ty ra đời như Motorola, Nokia, BlackBerry, Palm, cạnh tranh với nhau về công nghệ di động. Cuộc đua chưa có hồi kết cho tới khi iPhone xuất hiện và thay đổi luật chơi, trở thành thiết kế chi phối trong ngành.

Sách và sách trực tuyến

Cái thú ở Hà Nội là lang thang qua các phố sách. Các cửa hàng sách như dọc phố Đinh Lễ có xu hướng mang đậm tính địa phương. Ở Mỹ, các công ty lớn hơn thập niên 60 và 70 đã cố gắng mở rộng thị trường như Borders hay Barnes & Noble, bán hàng trực tuyến và rồi Amazon xuất hiện, chiến thắng với các hoạt động trên toàn cầu. Bản thân mình giờ cũng đọc Alezza hay Tiki chứ không còn thủy chung tìm đọc sách Alphabooks, Phương Nam, Nhã Nam... nữa. 

Âm nhạc

Trước đây các hàng băng đĩa phải nhường chỗ cho cửa hàng điện tử lớn như Circuit City. Tới cuối những năm 1990, Napster (tên trước đó là Rhasody) trở nên phổ biến với mô hình thuê bao nhạc trực tuyến, rồi các tập tin kỹ thuật số chia sẻ sau đó phân phối số mà tiên phong là iTunes. Sau đó lại thêm một sự gián đoạn với các dịch vụ trực tuyến như Pandora và Spotify. Điều này đã tác động không chỉ đến các cửa hàng bán lẻ và hãng thu âm mà về cơ bản đã thay đổi mô hình kinh doanh cho các nhạc sĩ, nhà sản xuất, hãng thu âm và cả cách chúng ta tiêu thụ âm nhạc. Một ngành công nghiệp mà trước đây chỉ có thể nghe những bài hát nổi tiếng trên đài phát thanh, giờ thì theo yêu cầu, bất cứ nơi nào, bất cứ giai điệu nào, phù hợp với mỗi tâm trạng khác nhau. 

Phim ảnh, giải trí từ Blockbuster tới Netflix

Tương tự như vậy, chúng ta cũng thấy sự chuyển động trong ngành giải trí và cho thuê phim. Blockbuster là công ty thống trị thị trường Bắc Mỹ về cho thuê phim và video game với khoảng 60.000 cửa hàng vào năm 2004 đem lại doanh thu khoảng 6 tỷ đô. Rồi Netflix xuất hiện trước tiên với mô hình kinh doanh gửi DVD tới nhà (DVD-by-mail), rồi chuyển lên trực tuyến, xem theo yêu cầu và Blockbuster phá sản. Điều thú vị là Blockbuster không thể thực hiện quá trình chuyển đổi số này. Netflix thực sự đã thực hiện một chuyển đổi quan trọng từ kinh doanh DVD qua bưu chính sang lãnh đạo trong nội dung trực tuyến và theo nhu cầu.

Bán lẻ Sears, Walmart, Amazon

Hãy xem một ví dụ trong ngành bán lẻ. Sears là nhà bán lẻ hàng đầu giai đoạn những năm đầu thế kỷ 20 ở Mỹ. Họ có gần như mọi thứ chuẩn chỉnh nhất trong ngành. Rồi Walmart đã tận dụng công nghệ thông tin để đổi mới chuỗi cung ứng, và dĩ nhiên sau đó Amazon thực sự biến đổi toàn bộ trải nghiệm của khách hàng về bán lẻ trực tuyến.
Ở Việt Nam, mình thấy mọi người hay lên mạng xem hàng ở Adayroi, Lazada, các nhóm trên facebook, v.v. Metro, BigC, Coopmart, Vinmart... có lẽ ít người mua hơn xưa, trừ các dịp nghỉ lễ? Thế mà, rất nhiều mẹ vẫn nhờ người mua sữa bột xách tay từ nước ngoài, tại sao nhỉ? (à, xin lỗi, mình lan man rồi!) 

Vận tải: taxi, Uber, Grab

Trong việc đi lại, hẳn chúng ta quá quen với Uber, Grab. Mình cũng hơi buồn và tiếc việc Grab mua lại Uber ở Đông Nam Á hồi tháng 3/2018. Uber, Grab và Lyft (rất phổ biến ở Mỹ) đã bước vào những thị trường đi lại và biến đổi chúng một cách cơ bản. Điều thú vị về câu chuyện này là họ tận dụng công nghệ di động mà không thay đổi chúng. Bạn vẫn đang lái xe từ điểm A đến điểm B. Họ sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội, xây dựng trải nghiệm mởi cho người dùng, tạo ra giá trị mới và phá vỡ thị trường.

Từ xe hơi tới di chuyển: BMW, Volvo, Tesla, Google, Uber

Hãy cùng xem qua một chút ngành xe hơi. Xe hơi là ngành đã có một thế kỷ ổn định, khi động cơ đốt trong đã trở thành công nghệ thống trị và một số đơn vị thống lĩnh ngành thị trường ổn định. Giờ đây, ngành đang bị đột phá bởi các xe điện, xe tự lái, từ những công ty như Tesla, Google, Uber. Các nhà sản xuất như BMW và Volvo cũng đang chuyển đổi và đầu tư mạnh vào các xe tự lái và cải thiện trải nghiệm số cho khách hàng(moment). Khó mà đoán trước được tương lai, nhưng hãy chờ xem còn có những đột phá nào nữa? 

Những câu chuyện như vậy còn rất nhiều và trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016, chúng được nhắc đến như chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (Industry 4.0). Những gì chúng ta thấy là sự trỗi dậy của các công nghệ số thế hệ mới như trí thông minh nhân tạo, máy học, dữ liệu lớn, robot, tất cả đều hứa hẹn có thể đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số hơn nữa. Trong khi chuyển đổi số hứa hẹn sẽ đột phá các mô hình kinh doanh và thị trường, nó đồng thời cũng tạo ra cơ hội. Mỗi đột phá lại tạo ra một cơ hội cho doanh nghiệp mới, cho các thị trường mới, cho những sáng tạo mới và cho tất cả mọi người để khởi nghiệp hay phát triển doanh nghiệp của mình. Hãy nghĩ về doanh nghiệp của bạn, làm sao nó có thể tồn tại và phát triển mạnh khi đối mặt với những đột phá này? Rất mong được nghe những câu chuyện từ các anh chị!

Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ cùng phân tích tại sao thất bại hay thành công trong chuyển đổi số nhé?

Nguồn tham khảo và chi tiết hơn một số câu chuyện:

  • A Historical Perspective khóa học Digital Transformation trên Coursera:  https://www.coursera.org/learn/bcg-uva-darden-digital-transformation/
  • Kodak and the Brutal Difficulty of Transformation trên HBS: https://hbr.org/2012/01/kodak-and-the-brutal-difficult
  • Blockbuster: It’s Failure and Lessons to Digital Transformers trên HBS: https://digit.hbs.org/submission/blockbuster-its-failure-and-lessons-to-digital-transformers/

Nhận xét

Bình luận. Vui lòng không spam, không quảng cáo, không công kích cá nhân. Hãy sử dụng từ ngữ phù hợp và đóng góp tích cực!

Lưu trữ

Biểu mẫu liên hệ

Gửi