Trends 7: Công nghệ Blockchain

Công nghệ blockchain (chuỗi khối) - Nguồn: internet
Trong tất cả các xu hướng chúng ta thảo luận từ trước tới giờ, blockchain có lẽ là công nghệ phức tạp nhất và ít được hiểu đúng nhất, nhưng cũng có khả năng sẽ là một trong những công nghệ có tác động mạnh nhất. Đa số mọi người có ấn tượng xấu bởi nghĩ tới blockchain là nghĩ tới tiền ảo, mà nổi bật là Bitcoin. Xin hãy gác định kiến đó sang một bên để tìm hiểu về nền tảng công nghệ này! 

Ví dụ

Để dễ hơn, chúng ta sẽ lấy một ví dụ không liên quan tới tiền ảo.
Bạn đã bao giờ đi mua nhà hay mua đất chưa nhỉ? Giả sử chúng ta đang tìm mua nhà hay đất ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ta tìm thấy trên trang hay nhóm bất động sản một bài đăng có kèm mô tả ngắn gọn và hình ảnh lung linh do "chính chủ" đăng. 
Bạn có tin những gì mình xem không? 
Chắc là không. Mình muốn đảm bảo rằng chính chủ ở đây là chủ sở hữu thực sự. Lý tưởng nhất, ta muốn xem hồ sơ khách quan những gì đã xảy ra với ngôi nhà/ mảnh đất: Được cấp sổ khi nào? Dài rộng ra sao? Đất thổ cư hay nông nghiệp? Ai đang sở hữu, còn sống hay đã chết? Đã qua tay những ai? Có đang bị thế chấp sổ đỏ hay tranh chấp gì không? Nếu là nhà thì được xây dựng khi nào? Nếu ở chung cư chắc chắn bạn muốn biết căn đó có đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định an toàn phòng cháy chữa cháy không, v.v.
Ví dụ về giao dịch mua bán nhà đất, bất động sản qua trung gian
Theo cách truyền thống, những thông tin này sẽ được lưu trữ trong sổ sách, kế toán. Với ví dụ này là ở Sở tài nguyên môi trường (bạn có thể hỏi ở Ủy ban nhân dân xã/phường). Sổ cái này thường được lưu trữ ở cấp Trung ương hay tỉnh/ thành phố, chịu quyền quản lý theo pháp luật, tức là đơn vị một trung gian bạn có thể tin tưởng được và do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch mua bán giữa bạn và chủ sở hữu ngôi nhà/ mảnh đất. Cơ quan trung gian này sẽ đảm bảo rằng bạn mua đúng tài sản từ đúng chủ sở hữu. Họ cũng sẽ lưu hồ sơ mua bán của bạn và dùng tới khi sau này cần phải chứng minh quyền sở hữu của bạn. Có thể có độ trễ trong cập nhật vào sổ cái. Cơ quan này sẽ tính phí mỗi khi bạn tham khảo thông tin. 

Vậy khi có công nghệ blockchain, việc mua bán sẽ thay đổi thế nào? 
Giao dịch mua bán nhà đất, bất động sản với công nghệ blockchain
Công nghệ blockchain sẽ ghi lại tất cả các thông tin, hồ sơ về bất động sản mà bạn muốn mua, ở dạng mở và mọi người tham gia đều có thể ghi và truy cập được.

Định nghĩa blockchain

Công nghệ blockchain được định nghĩa là 
an open, distributed ledger that can record transactions between parties efficiently and in a verifiable and permanent way which allows you to trust its information without needing an intermediary authority. 
tạm dịch là 
một sổ cái (bảng kê kế toán) mở, được phân bổ, có thể ghi lại các giao dịch giữa các bên một cách hiệu quả, có thể kiểm chứng và lâu dài, cho phép bạn tin tưởng thông tin trên đó mà không cần một cơ quan trung gian.

Đặc điểm

Có hai đặc điểm làm cho việc ghi chép này khác biệt là tính mở (open) và tính phân bổ (distributed). 

Tính mở

Mở nghĩa là bất cứ ai cũng có thể truy cập, đọc thông tin hay viết giao dịch mới vào đó. Thực tế việc này có thể gây ra vấn đề trong việc duy trì niềm tin vào nội dung sổ cái. Do đó, trong sổ cái, ta cần phải có giao thức để chỉ chấp nhận các giao dịch có ý nghĩa. Ví dụ: bạn chỉ có thể chuyển quyền sở hữu nhà chính bạn sở hữu. Để xác minh việc chuyển giao này, mọi bản ghi hoặc giao dịch được viết trong sổ kế toán bao gồm chữ ký số để nhận dạng duy nhất ai đã viết. 
Khối (block) = một số giao dịch + một số chữ ký
Sự kết hợp của một số giao dịch và một vài chữ ký số được gọi là một khối (block).
Nếu các giao dịch trong khối được cho phép bởi giao thức của sổ cái, khối này sau đó được ký bởi một khóa duy nhất (unique key) để xác nhận các bản ghi. Khi giao dịch tiếp theo được thực hiện, nó sẽ tham chiếu đến khối đầu tiên ngay ở phần đầu của khối thứ hai để đảm bảo rằng thứ tự chuỗi giao dịch được tôn trọng. Sau đó, quá trình xác nhận tương tự bắt đầu lặp đi lặp lại. 
Thông qua quá trình này, ta thấy rõ sự phụ thuộc giữa các bản ghi được tạo ra (khối = block), cái sau chồng lên cái trước, giống như một chuỗi (chain), nên công nghệ này được gọi là blockchain.
Giao dịch thứ 2 lấy tham chiếu từ giao dịch đầu (reference)
Tại bất kỳ thời điểm nào ai đó muốn thay đổi nội dung của một khối, họ cần thay đổi khóa của khối này, sau đó thay đổi khóa của tất cả các khối sau. Nếu bạn làm việc tạo ra khóa cho mỗi khối đủ khó bằng cách sử dụng mật mã, thì việc giả mạo với sổ kế toán này sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể. 

Tính phân bổ

Trước hết, động lực cho tính phân bổ này là loại bỏ trung gian. Nếu mọi người đều có một bản sao sổ kế toán/ sổ cái, thì ta đâu cần trung gian lưu trữ nữa. Cũng phải lưu ý một chút là về tính không hiệu quả của việc lưu trữ, bởi thay vì bắt đầu một lần, cơ bản ta sẽ nhân bản sổ cái trong mỗi máy tính. Hãy nhớ lại ba quy luật về tăng trưởng công nghệ để thấy rằng việc này hoàn toàn khả thi. Trong sổ cái có tính phân bổ này, bất cứ khi nào ai đó muốn thêm một bản ghi, họ sẽ cần phải thông báo cho toàn bộ mạng. Tất cả các bản sao của sổ kế toán sau đó được cập nhật cho phù hợp. Trên thực tế, việc này không hề đơn giản. Để xác thực được một giao dịch, các thành viên trong mạng lưới phải cạnh tranh để giải một bài toán ngẫu nhiên khó, đòi hỏi nhiều tính toán. Với mỗi khối, người chiến thắng trong cuộc thi sẽ xác nhận giao dịch, đưa chữ ký vào khối và thêm nó vào chuỗi. Trong cấu trúc này, nếu một người muốn chèn các giao dịch gian lận vào chuỗi, hắn cần có nhiều quyền lực tính toán hơn so tất cả các thành viên còn lại của mạng lưới cộng lại. Đây cũng là lý do tính phân bổ của blockchain thực sự hấp dẫn, bởi nó không chỉ lưu trữ thông tin mà còn tạo ra sự tin tưởng mà không cần bất kỳ trung gian bên thứ ba nào.

Ứng dụng của blockchain

Bitcoin khác với blockchain

Bitcoin

Tính phân bổ của blockchain cũng giải thích tại sao chúng bắt đầu tự nhiên trong ngành tài chính, một hệ thống dựa trên niềm tin vào các định chế của mình. Năm 2008 một người lấy tên là Satoshi Nakamoto đã viết bài báo Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System mô tả một giao thức chuyển tiền mặt kỹ thuật số giữa các cá nhân mà không cần trung gian. Chắc chắn bạn đã nghe về nó rồi, tên nó là BitCoin. Các bạn có quan tâm hẳn cũng đã biết BitCoin tạo được rất nhiều quan tâm từ các nhà đầu tư và công nghệ. Đầu tư vào các khởi nghiệp Blockchain đạt mốc đỉnh đầu tiên trong quý 1/2015 ở mức gần 300 triệu USD. Tuy nhiên, biến động của Bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác (như Ethereum, Litecoin, v.v.) cùng vài sự cố khác đã làm giảm số tiền đầu tư vào nó qua nhiều năm.
Xin nhắc lại là Bitcoin và Blockchain không giống nhau! 
Tuy nhiên, sự nổi lên của Bitcoin cũng thúc đẩy các doanh nhân công nghệ xây dựng các ứng dụng  trên nền tảng công nghệ blockchain.

Các ứng dụng của blockchain

Tổ hợp R3 (R3 consortium)

Hình dung bitcoin dựa trên hàng ngàn máy tính lưu trữ và trao đổi bản sao của sổ cái mở, với một giao thức blockchain cụ thể. Để quản lý các giao dịch bitcoin dễ dàng, bạn cần một chiếc ví điện tử để quản lý các tương tác với sổ kế toán. Ứng dụng này sẽ ghi lại các giao dịch, chẳng hạn anh Minh kiếm được 50 bitcoin mới, hay anh Long trả cho chị Nhung 10 bitcoin. Việc chuyển bitcoin từ anh Long sang cho chị Nhung là việc thêm giao dịch trong sổ kế toán mở. Thông thường, một ngân hàng sẽ tính phí 5% chẳng hạn và mất vài ngày. So sánh ta sẽ thấy ưu việt là giao dịch diễn ra nhanh, hoặc chậm nhất là vài giờ. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi chính các ngân hàng đã bắt đầu liên doanh tạo ra blockchain của riêng mình. Hơn 200 định chế tài chính (thống kê tháng 4/2018 của R3) đã thành lập tổ hợp R3, để phát triển thứ gọi là hệ điều hành mới cho thị trường tài chính, sử dụng nền tảng sổ kế toán phân phối gọi là Corda. Đây là một động thái điển hình từ những người trong cuộc để bảo vệ lợi thế cạnh tranh của mình bằng cách áp dụng công nghệ, thậm chí định hình chúng.

Theo dõi kim cương, kiểm phiếu

Tương tự như vậy, ta cũng có thể lưu trữ thông tin về kim cương hay phiếu bầu. Bạn có thể phát triển ứng dụng để theo dõi kim cương hay kiểm kết quả bầu cử. Dài hơi hơn, là chuyển đổi sang một xã hội dân chủ - một kế hoạch rất tham vọng.
Tưởng tượng xem nếu quy hoạch Thủ Thiêm, hay các khu vực quy hoạch khác mà mỗi người dân ở đó có thể tạo các block, và giao dịch, thì chắc chắn tính minh bạch, rõ ràng sẽ cao hơn, và không còn ai phải đi lo tìm cái bản đồ thất lạc nữa! 

Đột phá kinh doanh nền tảng (platform business) 

Blockchain cũng có tham vọng tạo đột phá và thay thế một số doanh nghiệp hay mô hình kinh doanh nền tảng - thứ mà chúng ta đều nghĩ là làn sóng đột phá về chuyển đổi số tiếp theo. Ví dụ như Airbnb - mô hình cho thuê phòng/ nhà ngắn hạn đột phá ngành du lịch, khách sạn. Hãy hình dung bây giờ thay vì quảng cáo nhà trên một nền tảng thu tiền qua cắt giảm giá thuê của bạn, bạn đăng chúng trên một sổ kế toán mở Ethereum, với giá thuê và khoảng thời gian. Ethereum là blockchain được phát triển đặc biệt cho phép tạo ra các hợp đồng thông minh. Nó chứa các đoạn code cho phép thực hiện một hành động trên blockchain nếu một số sự kiện xảy ra. Ví dụ: chuyển cho vợ 3 triệu nếu tài khoản của vợ còn dưới 1 triệu. Vì vậy, bạn đăng tin trên Ethereum, ai đó quan tâm, bạn tạo một đơn hàng thông minh, họ chuyển tiền (và đặt cọc), sau đó trả lại đặt cọc sau khi ngôi nhà được trả lại trong tình trạng nguyên vẹn. Tất cả đều được tự động hóa. Không qua trung gian. Mặc dù vậy, ứng dụng này giả định rằng blockchain đã rất phổ cập, một mạng lưới kết nối tất cả những người quan tâm, nhà của họ và có thể cả tài khoản ngân hàng, v.v.

Quản lý trật tự xã hội 

Ví dụ hôm trước xảy ra vụ cướp và 3 hiệp sĩ thiệt mạng ở TP HCM, trong các sáng kiến sử dụng công nghệ để giải quyết, có một anh đã chia sẻ ý tưởng (dù anh làm kinh tế, không biết gì về công nghệ), là quản lý toàn bộ việc mua bán xe máy mới, cũ. Việc áp dụng blockchain theo Huệ là hoàn toàn khả thi và nếu bộ công an hoặc cục đăng kiểm xe cơ giới có thể áp dụng thì sẽ vô cùng hiệu quả. Giả sử trên mỗi xe đều có một mã khóa và thông tin, cùng với thông tin CMT/ hộ chiếu và toàn bộ thông tin giao dịch... sẽ tạo thành 1 khối (block). Sau đó khi có mua bán xe máy cũ, tất cả mọi người sẽ thấy toàn bộ thông tin lịch sử giao dịch của xe đó, và phải có thêm các thông tin mua bán mới, VD: CMT, địa chỉ cư trú, vân tay, chứng minh lịch sử giao dịch trước... Các hiệu cầm đồ, mua sẽ không thể mua xe cũ từ người "không sở hữu" xe (vì họ đăng nhập vào hệ thống là có thể thấy). Như vậy những kẻ trộm cắp không thể "bẻ" được khóa, không thể mua bán khi không chứng minh được giao dịch của mình với xe. Việc này có thể ngăn chặn tiêu thụ xe trộm cắp?
Việc dùng các định dạng khó như vân tay, mống mắt, chữ ký... thậm chí còn tốt hơn cả các mã khóa tự tạo, bởi ít khả năng bị trùng 100%.
Tương tự như vậy với các vấn đề xã hội khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bất động sản... Kể cả gương xe ô tô hay trang sức.
Mình có nghe thông tin Bộ công an đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu công dân. Hi vọng Bộ sẽ nghiên cứu các ứng dụng công nghệ như Blockchain, big data, biometric... để quản lý hiệu quả. 

Thách thức trong ứng dụng blockchain 

Sự tin tưởng (Trust) - nền tảng và động lực cho blockchain
Khi nói về một mạng lưới như vậy, sự tin tưởng là vô cùng quan trọng. Chúng ta đã thấy blockchain tạo ra niềm tin, nhưng chỉ trong các giao dịch trong mạng. Ta sẽ cần cách khác để đảm bảo thứ gọi là sự tin cậy ngoại vi, tin cậy ở rìa mạng. Có thể là một số hình thức chứng minh danh tính để đảm bảo bạn là người mà bạn nói, hay ngôi nhà trong mạng đó có hiện diện hữu hình trong thế giới thực.
Quy mô tối ưu cho mạng blockchain = cân bằng chi phí giao dịch và chi phí tạo sự tin tưởng
Ông Philips Evan, chuyên gia của BCG, có chia sẻ quan điểm trong bài viết "Thinking outside of the blocks" (suy nghĩ ngoài khối), rằng mạng càng lớn thì càng tốn kém để duy trì sự tin tưởng trong mỗi nút mạng, trong khi mạng càng lớn thì bạn càng hi vọng giao dịch sẽ rẻ hơn. Vì vậy, nếu xem xét hai chi phí này, t sẽ thấy kích thước tối ưu của một mạng blockchain có thể đâu đó ở giữa. Do đó, sẽ không có một blockchain duy nhất cho mọi trường hợp (use case) cùng lúc, mà sẽ là từng nhóm cho từng trường hợp. Tất nhiên, các đặc tính chi tiết của mô hình sẽ được xác định bởi cách blockchain giải đáp các câu hỏi còn vướng như thế nào. Làm thế nào để kiếm tiền từ blockchain? Ai sẽ có được giá trị từ blockchain nhiều hơn, phần ứng dụng hay các giao thức? Khung chính sách quản lý quanh blockchain nên thế nào? Làm sao xử lý các hạn chế năng lực xử lý từ 10 đến 30 giao dịch mỗi giây với hệ thống thẻ thông thường, tới 2500 giao dịch mỗi giây. Đó vẫn là những câu hỏi mở. 
Với Việt Nam, có lẽ tính dân chủ cũng đang là câu hỏi lớn và việc ứng dụng một nền tảng công nghệ làm biến đổi sâu sắc việc công khai, minh bạch sẽ còn vô vàn khó khăn. Ta có thể nhìn thấy bất cứ đơn vị nào tham gia blockchain cũng sẽ nhìn được tất cả các thông tin giao dịch khác trên mạng lưới, do vậy sẽ không có tiền đút lót, hối lộ, sẽ không có chênh lệch khoản tiền môi giới quá cao, nguồn tiền (tính từ khi tham gia vào blockchain) là sạch. Do vậy sẽ khó có cơ hội cho tham nhũng, hối lộ, làm ăn chộp giật... Phải chăng vì vậy vẫn chưa có nhiều ứng dụng blockchain tại Việt Nam?
Theo anh/ chị còn có thách thức nào cho nền tảng này cho doanh nghiệp và xã hội Việt? 

Nguồn tham khảo

Chuỗi bài về xu hướng công nghệ

Nhận xét

Bình luận. Vui lòng không spam, không quảng cáo, không công kích cá nhân. Hãy sử dụng từ ngữ phù hợp và đóng góp tích cực!

Lưu trữ

Biểu mẫu liên hệ

Gửi