Insurtech (Công nghệ bảo hiểm): Định nghĩa, phân loại, xu hướng, và tác động tới các đơn vị bảo hiểm trong ngành

Insurtech (Công nghệ bảo hiểm) & Chuyển đổi số. Nguồn ảnh: internet
Khi nhắc tới chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm, chúng ta không thể không nhắc tới Insurtech (công nghệ bảo hiểm). Vậy thì
  • Insurtech (công nghệ bảo hiểm) là gì? Liên hệ với fintech ra sao?
  • Có những loại insurtech nào?
  • Các xu hướng công nghệ chủ đạo nào đang được các insurtech sử dụng?
  • Tác động của Insurtech tới các đơn vị bảo hiểm trong ngành ra sao?
  • Một số ví dụ cụ thể về Insurtech?
  • Các đơn vị có thể làm gì để làm chủ insurtech và hệ sinh thái trong chuyển đổi số?
Hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết này!

Định nghĩa Insurtech (Công nghệ bảo hiểm) 

Định nghĩa Insurtech = Insurance (bảo hiểm) + Technology (công nghệ). Nguồn ảnh: internet
Theo Investopedia:
Insurtech đề cập đến việc sử dụng các sáng tạo công nghệ được thiết kế để triệt để tận dụng các khoản tiết kiệm và hiệu quả từ mô hình ngành bảo hiểm hiện tại. Insurtech là một kết hợp từ 2 từ "Insurance" (bảo hiểm) và "Technology" (công nghệ) được lấy cảm hứng từ thuật ngữ fintech (Finance + Technology: công nghệ tài chính). Niềm tin thúc đẩy các công ty insurtech là việc ngành bảo hiểm đã chín muồi cho sự đổi mới và đột phá. Insurtech đang khám phá các mảng kinh doanh mà các công ty bảo hiểm lớn có ít động lực để khai thác, chẳng hạn như cung cấp các chính sách cực kỳ tùy chỉnh, bảo hiểm xã hội và sử dụng các luồng dữ liệu mới từ các thiết bị kết nối internet đến việc tính phí bảo hiểm linh hoạt theo hành vi quan sát được.
nguyên văn trong tiếng Anh:
Insurtech refers to the use of technology innovations designed to squeeze out savings and efficiency from the current insurance industry model. Insurtech is a portmanteau of “insurance” and “technology” that was inspired by the term fintech. The belief driving insurtech companies is that the insurance industry is ripe for innovation and disruption. Insurtech is exploring avenues that large insurance firms have less incentive to exploit, such as offering ultra-customized policies, social insurance, and using new streams of data from internet-enabled devices to dynamically price premiums according to observed behavior.
Có thể vì sự kết hợp thú vị này, insurtech không chỉ là quan tâm của các công ty bảo hiểm, mà còn là các đơn vị khác trong ngành tài chính, ngân hàng số và các tập đoàn công nghệ, viễn thông.

Phân loại Insurtech (công nghệ bảo hiểm)

Để phân loại insurtech, có khá nhiều tiêu chí khác nhau. Có bốn cách phân loại mà mình thấy khá hữu ích và xin chia sẻ dưới đây.

1) Phân loại theo nhóm khách hàng: B2C và B2B

Phân loại insurtech theo các nhóm khách hàng: B2C & B2B. Dịch từ: Geektime InsurTech Report (tháng 5/2017)
Khi phân loại insurtech theo các nhóm khách hàng của insurtech, ta có thể chia ra thành hai nhóm khách hàng: các cá nhân (B2C) & các doanh nghiệp (B2B).

Insurtech B2C - cho các khách hàng cá nhân

Các khách hàng cá nhân gặp phải hai thách thức lớn trong quá trình tìm kiếm, sử dụng dịch vụ bảo hiểm và xử lý các yêu cầu bồi thường:
  • Dịch vụ bảo hiểm analog - người tiêu dùng vẫn phải đi qua các quy trình dài và các giấy tờ tài liệu do các công ty bảo hiểm cung cấp.
  • Vẫn phải duy trì các đại lý bảo hiểm do lo ngại phải xử lý các quy định và quy trình rườm rà trong ngành bảo hiểm.
Từ đó, các insurtech tập trung vào các giải pháp như:
  • Tự động hóa và số hoá - mua bảo hiểm trực tuyến một cách đơn giản, nhanh chóng và minh bạch. Điều này giúp loại bỏ sự cần thiết phải duy trì các đại lý bảo hiểm.
  • Dữ liệu và phân tích – các công ty bảo hiểm số sử dụng các luồng dữ liệu từ các thiết bị kết nối để linh hoạt phí bảo hiểm tùy theo hành vi và lối sống của người tiêu dùng.
  • Bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng (cyber- insurance) - có thể được cung cấp trực tiếp cho SMB, doanh nghiệp hay cá nhân.
Kết quả đem lại là Phí bảo hiểm thấp hơn và theo yêu cầu, dịch vụ số - bằng cách loại bỏ sự cần thiết của các đại lý bảo hiểm và những thứ khác có thể tạo ra chi phí lớn, các khởi nghiệp insurtech có thể cung cấp cho khách hàng mức phí thấp hơn và vẫn có lãi.

Insurtech B2B - cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác

Theo các insurtech, thách thức mà các doanh nghiệp bảo hiểm hiện tại đang gặp phải là:
  • Không có khả năng đánh giá đúng rủi ro - tính phí quá cao với một số hợp đồng, do đó mất khách hàng, hoặc báo giá không đủ cao cho những người khác có mức độ rủi ro cao hơn. 
  • Liên tục tăng chi phí vận hành, kinh doanh.
Do đó, các giải pháp mà insurtech cung cấp cho các doanh nghiệp này là:
  • Tự động hóa và số hóa giúp cải thiện các quy trình nội bộ của các công ty bảo hiểm.
  • Phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp nhân viên vận hành hoàn thành công việc của họ hiệu quả hơn và phát triển các chiến lược và cơ hội kinh doanh sáng tạo.
  • Bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng (cyber- insurance) cung cấp giải pháp cho các công ty bảo hiểm muốn cung cấp bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng (*một dạng tái bảo hiểm).
Kết quả đem lại là những thay đổi cơ bản trong cách các công ty bảo hiểm tạo ra và phân phối sản phẩm của mình: Hệ sinh thái số thay đổi nhanh chóng tạo nền tảng cho làn sóng lớn về đột phá của các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm cấp tiến, có tầm nhìn, hình dung để xác định lại vai trò và dịch vụ của mình bằng cách sử dụng các công nghệ insurtech.

2) Phân loại theo các nhóm dịch vụ bảo hiểm truyền thống

Với xu hướng tác động của công nghệ và kỹ thuật số, các insurtech cũng đã thâm nhập và tìm kiếm các cơ hội đột phá trong các mảng bảo hiểm truyền thống. Cụ thể có 5 mảng mà các insurtech khai thác theo 4 nhóm danh mục bảo hiểm truyền thống: 

5 nhóm insurtech tương ứng với các dịch vụ bảo hiểm truyền thống. Nguồn: Geektime InsurTech Report (tháng 5/2017)
  1. Dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)phân tích: Các công ty từng tin tưởng vào các phân tích và thuật toán đơn giản đã khám phá, lý giải và truyền tải nhiều mô hình có ý nghĩa trong dữ liệu. Ngày nay, các công nghệ cho phép các công cụ AI và máy học có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu và đưa ra các quyết định thông minh hơn. Các insurtech này rất hữu ích với bảo hiểm nhân thọ và niên kim.
  2. Bảo hiểm được cung cấp trên các nền tảng số: web, di động, thiết bị kết nối internet (IoT), bao gồm cả các mạng xã hội. Tương ứng với tất cả các nhóm bảo hiểm nói chung.
  3. Internet vạn vật (IoT): Internet vạn vật (IoT) là các vật thực sự được kết nối với các ứng dụng điện tử, phần mềm, cảm biến. Sự kết nối sẽ cho pháp các vật này thu thập và trao đổi dữ liệu. Các insurtech này tập trung trong mảng bảo hiểm tài sản & tai nạn (P&C). 
  4. Bảo hiểm rủi ro trên không gian mạng (cyber- insurance): Việc bảo hiểm các hệ thống máy tính khỏi việc trộm cắp, hay các thiệt hại từ phần cứng, phần mềm, thông tin từ chúng, cũng như các đột phá và sai lệch trong dịch vụ mà chúng cung cấp. Đây là mảng bảo hiểm mình chưa thấy nhiều ở Việt Nam và rất đáng lưu ý, cân nhắc trong bối cảnh công nghệ và an ninh mạng đang là vấn đề nhức nhối, như gần đây nhiều người nổi tiếng bị hack facebook fanpage hay cá nhân, hoặc Thế giới di động, Vietnam Airlines bị lộ cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng và thẻ thanh toán, v.v. 
  5. Y tế và sức khỏe: Các phương thức công nghệ tiên tiến như thiết bị đeo tay, dữ liệu chung, sức khỏe di động (mhealth), v.v. đã giúp thay đổi ngành bảo hiểm sức khỏe về việc đánh giá rủi ro và thiết lập hợp đồng. Rõ ràng ta thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa các insurtech này với bảo hiểm y tế, sức khỏe truyền thống. 
Dưới đây là bảng thông tin mô tả chi tiết hơn các insurtech theo các nhóm dịch vụ bảo hiểm truyền thống, và ta có thể thấy mối liên hệ tương quan cũng như các công nghệ ứng dụng.
Bảng mô tả các nhánh insurtech tương ứng với nhóm bảo hiểm truyền thống. Dịch từ: Geektime InsurTech Report (05/2017)
Ngoài ra Greektime cũng đưa thêm các danh mục khác mà danh mục truyền thống chưa có: 
  • Điện toán đám mây (cloud, Saas) 
  • Phần mềm bảo hiểm 
  • Bitcoin và Blockchain 
  • Bảo hiểm P2P (peer-to-peer) 
  • Bảo hiểm SMB 

3) Phân loại của Venture Scanner: 14 danh mục insurtech

Mình thích cách phân loại này bởi đó là góc nhìn của các nhà đầu tư, dựa theo hai chỉ số lớn là tuổi đời của các insurtech và quy mô được đầu tư. Con số thống kê tính tổng tới tháng 9/2018 khá hữu ích cho các anh chị trong ngành bảo hiểm khi nghĩ tới các phương án hợp tác với insurtech trong hệ sinh thái, với các tập đoàn công nghệ và cả các quỹ đầu tư, các khởi nghiệp trong mảng này.
Danh mục 14 nhóm Insurtech theo tuổi đời và lượng vốn huy động trung bình. Nguồn: Venture Scanner tháng 11/2018
Theo đó 14 danh mục này gồm:
  1. Giáo dục về bảo hiểm (insurance education)
  2. Thu hút người dùng (user acquisition)
  3. Backend bảo hiểm (hệ thống vận hành phía sau) 
  4. Nền tảng bảo hiểm P2P (người dùng-tới-người dùng)
  5. Quản lý người tiêu dùng (consumer management)
  6. Sản phẩm (product)
  7. So sánh bảo hiểm (insurance comparison)
  8. Dữ liệu bảo hiểm (insurance data)
  9. Chính sách cho nhân viên (employee benefits) 
  10. Doanh nghiệp (enterprise)
  11. Tái bảo hiểm (reinsurance)
  12. Sức khỏe, y tế (health)
  13. Nhân thọ (life), nhà cửa (home), tài sản & tai nạn (P&C)
  14. Ô tô (auto)
Venture Scanner cũng cung cấp bức tranh tổng thể các ví dụ nổi bật về các insurtech trong 14 danh mục đầu tư của họ.

4) Phân loại theo chuỗi giá trị của Insurtech.vc

Theo Mehrdad Piroozram, doanh nhân khởi nghiệp, nhà đầu tư, nhà sáng lập và quản lý của InsurTech.vc tại Cologne, Đức - và cũng là câu trả lời phổ biến trên Quora, có 5 nhóm insurtech chính: trong mảng tiếp xúc với khách hàng, dữ liệu, quy trình, sản phẩm và big bang (tất cả chuỗi).
Phân loại Insurtech theo chuỗi giá trị với khách hàng. Nguồn: Insurtech.vc 

  1. “Điểm tiếp xúc với khách hàng” (Customer touch points) (mạng xã hội, thiết bị di động và nền kinh tế chia sẻ) 
    Khách hàng dần dần thích ứng với các xu hướng và công nghệ theo hướng tích cực. Điều này dẫn đến một khoảng cách giữa các công ty bảo hiểm và khách hàng và sẽ được lấp bởi insurtech. Việc truy cập đang thay đổi và sử dụng nhiều kênh và phương thức mới. Ví dụ như nhà môi giới trực tuyến/ di động Clark.
  2. Dữ liệu” (Data) (Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dự đoán và Internet vạn vậtTrí thông minh nhân tạo có lẽ là một trong những lĩnh vực có tác động lớn nhất đến ngành bảo hiểm. Ở đây, các khởi nghiệp tận dụng sự đổi mới thông qua các điểm dữ liệu bổ sung (như Internet vạn vật) và các thuật toán dọc theo toàn bộ chuỗi giá trị. Khách hàng của insurtech bao gồm chủ yếu là các công ty bảo hiểm, những người muốn đạt được lợi thế cạnh tranh. Ví dụ: PredictiveBid sử dụng trí thông minh nhân tạo để thu hút người dùng trực tuyến, hay Cytora sử dụng trí thông minh nhân tạo để phân tích rủi ro ngay tức thì, hoặc Atidot, giúp điều chỉnh danh mục bảo hiểm nhân thọ tổng thể cho những thay đổi cá nhân hóa của khách hàng. 
  3. "Quy trình" (Phần mềm Dịch vụ SaaS, Blockchain, Thiết bị di động). Insurtech đang đột phá một phần của chuỗi giá trị và cung cấp cho các công ty bảo hiểm như một dịch vụ chia sẻ hay theo mô hình thuê bao (license), được hỗ trợ bởi các công nghệ và phương pháp mới nhất. Ví dụ như RightIndem, dựa trên báo cáo về bồi thường di động theo cách mới, hay như Optiopay chuyển các khoản thanh toán bồi thường thành các phiếu giảm giá cho các công ty bảo hiểm như một dịch vụ.
  4. “Sản phẩm” (internet vạn vật/ IoT, sản phẩm mới như drone - máy bay không người lái, Bảo hiểm theo mức độ sử dụng). Việc sử dụng công nghệ mới tạo ra những rủi ro mới hoặc kết hợp các sản phẩm. Drone hay các sản phẩm an ninh không gian mạng hiện là các lĩnh vực rất phổ biến về chủ đề này. Ví dụ có thể kể tới là @verifly cung cấp bảo hiểm drone theo mức độ sử dụng thông qua ứng dụng di động, và nền tảng middleware IOT relayr cung cấp bảo trì dự đoán cho máy móc hạng nặng.
  5. "Big Bang" Big Bang là việc tạo ra một công ty bảo hiểm số đầy đủ, như ví dụ của Sherpa ở Anh, Oscar Health ở Mỹ, hay Wefox/One ở Đức. Khi đó, toàn bộ chuỗi giá trị được tư duy lại, được khái niệm hóa và thiết lập lại. Danh mục này gồm các công ty bảo hiểm số tới các nhà cung cấp lâu đời (như Nexible) cũng như những người chơi mới gặp phải thách thức về thu hút người dùng và sự phức tạp của quy trình. Ví dụ điển hình là Lemonade Inc.

Các xu hướng công nghệ chủ đạo nào đang tác động mạnh nhất tới các insurtech?

Rõ ràng khi nhắc tới insurtech, ta không thể không nói đến technology (công nghệ). Vậy thì trong làn sóng các xu hướng công nghệ, những thứ nào đang tác động mạnh mẽ nhất tới insurtech và ngành bảo hiểm?
Các xu hướng công nghệ tác động mạnh mẽ nhất tới Insurtech. Chuyendoi.so tổng hợp từ nhiều báo cáo phân tích
Theo Accenture trong báo cáo The Rise of Insurtech có thống kê từ 2014 - 2016, số lượng insurtech tập trung vào phân tíchdữ liệu lớn tăng lên gần gấp ba trong hai năm.
Số lượng Insurtech tập trung vào phân tích/ dữ liệu lớn tăng gần 3 lần trong 2 năm. Nguồn: The Rise of Insurtech, Accenture
Bảo hiểm, cũng giống như ngân hàng số, là ngành kinh doanh đói khát dữ liệu. Các công ty bảo hiểm nhận ra rằng các công nghệ mới như internet vạn vật (IoT), phân tích nâng cao, AI (trí tuệ nhân tạo)dữ liệu lớn (big data) sẽ là chìa khóa để thúc đẩy các dịch vụ mới. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng nhận ra nhu cầu cải thiện trải nghiệm của khách hàng để bắt kịp với các ngành khác. Do đó, có hai lĩnh vực chính của nền tảng chung, nơi bảo hiểm truyền thống và InsurTech có thể gặp gỡ, đó là: dữ liệu và khách hàng.
Dữ liệu lớn và phân tích, trí tuệ nhân tạo (AI) có vai trò vô cùng quan trọng. Việc thiết lập phí cho hợp đồng bảo hiểm đòi hỏi một sự cân bằng tinh tế. Doanh nghiệp bảo hiểm cần đảm bảo lợi nhuận bằng cách tính toán các rủi ro trong khi đưa ra mức phí cạnh tranh để thu hút khách hàng. Thứ nhất, với insurtech, một lượng dữ liệu chưa từng có được thu thập từ các tệp, cơ sở dữ liệu và lưu trữ cá nhân khác nhau. Thứ hai, các giải pháp tự động hóa quy trình với rô-bốt được sử dụng để nắm bắt, xử lý và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu hiệu quả. Thứ ba, mô hình dự báo và thống kê dựa trên dữ liệu này giúp các công ty bảo hiểm đánh giá rủi ro chính xác hơn. Thứ tư, dữ liệu cũng được tận dụng để giúp cải thiện quy trình bảo hiểm. Thông tin này giúp các công ty bảo hiểm nâng cao lòng trung thành của khách hàng và tối ưu hóa các cơ hội bán hàng. Cuối cùng, các công ty bảo hiểm đang bắt đầu ứng dụng các giải pháp thông minh nhân tạo và phân tích nâng cao bởi họ được hưởng lợi từ việc lựa chọn, phân loại rủi ro cũng như quản lý quá trình bồi thường rất cụ thể và cá nhân hóa hơn. Chatbots hay bots là các chương trình được hỗ trợ bởi các quy tắc và AI tương tác với mọi người thông qua giao diện trò chuyện. Bots có thể giúp thúc đẩy mọi giai đoạn mua bảo hiểm từ các câu hỏi tới việc bán hàng và thậm chí cả thanh toán.
Internet vạn vật kết nối (IoT) cũng có tác động không nhỏ, bởi IoT sẽ giúp cho dữ liệu tốt hơn. Thứ nhất chi phí cho cảm biến và các công nghệ truyền thông giảm cùng với việc xử lý dữ liệu được cải thiện đều góp phần vào việc ứng dụng nhanh chóng IoT và thiết bị đeo trong ngành bảo hiểm. Sự phổ biến của thiết bị đeo cũng đã khuyến khích điều này. Thứ hai, thu thập dữ liệu thông minh hơn cho phép đánh giá theo cấp số nhân về rủi ro cho cả công ty bảo hiểm và người tiêu dùng. Thứ ba, các thiết bị IoT có thể giảm lượng thời gian cần thiết để thực hiện các yêu cầu. Bệnh nhân có thiết bị đeo được có thể cho biết thời gian và điều kiện chính xác trong đó xảy ra sự cố, cũng như cung cấp tài liệu để xác định các rủi ro về sức khỏe. Cuối cùng, các cảm biến cũng có thể được sử dụng như một cảnh báo để giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các khiếu nại.
IoT cũng đem lại vô cùng nhiều lợi ích cho người tiêu dùng/ khách hàng. Đầu tiên là mức phí bảo hiểm thấp hơn - các công ty bảo hiểm sẽ giảm giá hay có ưu đãi cho khách hàng cung cấp thông tin từ các thiết bị IoT. Thứ hai, người tiêu dùng có mức độ rủi ro thấp hơn nhận được các điều kiện tốt hơn. Thứ ba, ưu đãi tích cực cho việc thay đổi hành vi - khách hàng cải thiện thói quen ăn uống, sinh hoạt hay lái xe an toàn hơn có thể nhận lại những phần thưởng.
Blockchain được nhắc tới nhiều hơn trong vài năm trở lại đây và nhiều đơn vị insurtech và bảo hiểm đã thử nghiệm bởi tính bảo mật, minh bạch và hạn chế tối đa chi phí môi giới. Tuy nhiên kết quả còn phụ thuộc khá nhiều vào kết quả thử nghiệm và cũng đang ở trong những giai đoạn rất ban đầu.

Tác động của Insurtech tới các đơn vị bảo hiểm trong ngành

Báo cáo Global insurance trends analysis 2018 của EY (Ernst & Young), InsurTech tiếp tục là một mảng nóng trong không gian đầu tư FinTech tổng thể khi giá trị giao dịch tăng 32% hàng năm (YoY) và 45% tăng trưởng gộp (CAGR) kể từ năm 2012. Điều thú vị cần lưu ý là phần lớn các khoản đầu tư (61%) là nhằm "kích hoạt chuỗi giá trị bảo hiểm" thay vì "phá vỡ/ đột phát" (9%) hoặc "xóa bỏ môi giới trung gian" (30%) và các tập đoàn bảo hiểm lớn đang trỗi dậy là các nhà đầu tư hàng đầu vào các khởi nghiệp InsurTech (83%).
Tăng trưởng Insurtech giai đoạn 2012-2017. Nguồn: CB Insights

Giá trị, lợi ích của các đơn vị bảo hiểm trong ngành từ các khoản đầu tư InsurTech

  • Nâng cao trải nghiệm khách hàng và kết nối: Một số InsurTech đang xóa dần các rào cản truy cập của khách hàng tới các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm và cũng giúp các công ty bảo hiểm giảm chi phí tương tác với khách hàng bằng cách tự động hóa nhiều hơn. Ví dụ, Munich Re hợp tác với Simplesurance, cung cấp các điểm bán hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng thương mại điện tử.
  • Tăng cường hiệu quả ra quyết định bằng cách cải thiện quyền truy cập vào dữ liệu liên quan đến khách hàng và các rủi ro phải đối mặt. Ví dụ, một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới đã hợp tác với InsurTech chuyên gia khai trương gói bảo hiểm drone (máy bay không người lái) đầu tiên ở Anh. Việc này sẽ cho phép các công ty bảo hiểm đưa ra các lựa chọn thông minh cho thị trường bảo hiểm drone trong tương lai.
  • Vườn ươm sáng tạo thông qua quan hệ đối tác InsurTech: Các công ty bảo hiểm có được sự linh hoạt tốt hơn nhiều để thử nghiệp các khái niệm mới về danh mục rủi ro hạn chế trong khi vẫn giữ cho việc kinh doanh cũ không bị xáo trộn. Ví dụ: AXA đã đầu tư vào khoảng 20 khởi nghiệp để thúc đẩy các thử nghiệm xung quanh sức khỏe kết nối, AIdữ liệu lớn.

Một số ví dụ cụ thể về Insurtech

Trong các bài viết trước về thị trường bảo hiểm Trung Quốc chuyển đổi số, ta đã xem một số insurtech như Ant Financial, Ping An, Zhong An. Trong bài viết tiếp theo về các ví dụ khác của bảo hiểm số, ta sẽ xem xét cả một số insurtech. 
Dưới đây là danh mục các insurtech nổi bật của Venture Scanner trong 14 danh mục đầu tư của họ.
Các insurtech nổi bật trong danh mục của Venture Scanner. Tháng 09/2018

Lời kết: Các đơn vị có thể làm gì để làm chủ insurtech và hệ sinh thái trong chuyển đổi số?

Nhìn về tương lai, EY đánh giá InsurTech sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý từ cả các đơn vị bảo hiểm trong ngành, các tập đoàn công nghệ và những người mới tham gia, trong khi khi ngành bảo hiểm tiếp tục chín muồi cho các đổi mới và đột phá. Đổi mới InsurTech sẽ tiếp tục có nhiều các công nghệ mang tính cải tiến (hơn là đột phát hay thay đổi triệt để) trong ngắn hạn và trung hạn mặc dù trong dài hạn, sự tham gia của năm gã khổng lồ công nghệ hàng đầu có tiềm năng thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh bảo hiểm.
Với các đơn vị bảo hiểm ở Việt Nam, có lẽ đã tới lúc có những bước tiến mạnh mẽ hơn, không chỉ khai thác và mở rộng thị trường về mặt địa lý (vì ở Việt Nam thị trường "uninsured" còn rất rộng), mà hãy tư duy, nhìn lại thị trường của mình, trong khi cởi mở và có tầm nhìn với các loại bảo hiểm mới, các hình thức đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế số của Việt Nam.
Các ông lớn công nghệ trên thế giới, tại Trung Quốc, Mỹ... cũng đã và đang mở rộng sang ngày này, liệu các ông lớn công nghệ, viễn thông Việt có thấy cơ hội ở đây?
Các ngân hàng, tổ chức tài chính, tín dụng vi mô... Việt có nhìn thấy cơ hội khai thác insurtech, fintech trong hành trình tăng trưởng của mình?
Cuối cùng, chính các khởi nghiệp, các bạn thấy những cơ hội thị trường nào cho mình? Liệu có vấn đề nào của xã hội Việt, các rủi ro nào mới, các khách hàng và nhu cầu nào chưa được đáp ứng? Làm sao để các bạn có thể sử dụng công nghệ, phân tích dữ liệu, AI, blockchain, v.v. để giải quyết và đem lại giá trị?
Hãy nhớ rằng trong hệ sinh thái số, bạn không cần phải làm tất cả mọi thứ, và tư duy copetition (hợp tác cạnh tranh) vô cùng quan trọng. Chúc các bạn sẵn sàng và thành công! 

Nguồn tham khảo:

Lưu trữ

Biểu mẫu liên hệ

Gửi