Câu chuyện quản lý tiêm vắc xin ở Singapore và bài học cho Việt Nam


Cuối tháng 8/2021, Singapore trở thành quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Những nỗ lực ngoạn mục của Singapore đặc biệt từ khoảng tháng 6 tới Quốc Khánh 9/8 rất đáng nể phục. Vậy họ đã làm như thế nào? Những ứng dụng công nghệ mà Singapore triển khai liệu có thể đem tới những bài học nào cho Việt Nam? Đặc biệt với các sở y tế và Khoa học công nghệ các tỉnh trong cuộc chiến chống Covid đang rất căng go hiện tại?


1. Bối cảnh và những bước chuyển chiến lược 

Nngày 29-8, Bộ Y tế Singapore cho biết đã tiêm hai liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho 80% trong tổng số 5,7 triệu người dân, trở thành quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, tạo đà mở cửa nền kinh tế cũng như đi lại không cần cách ly. Như vậy, Singapore trở thành quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cao nhất thế giới.

Những bước chuyển chiến lược

Thống kê tính đến ngày 23/6/2021:

Số liều đã tiêm: 5 triệu, trong đó 3 triệu người (53% dân số) được nhận ít nhất một mũi, còn tỷ lệ đã tiêm đủ cả hai mũi là 2 triệu, chiếm 36%. Cuối tháng 6, mỗi ngày có khoảng 47.000 liều vắc xin được tiêm.

Mục tiêu: 2/3 dân số sẽ được tiêm đủ hai mũi trước Quốc Khánh (9/8). (Tỷ lệ hầu hết các nước đưa ra để quay lại "trạng thái bình thường mới" là 65%). 

Ngày 27/8, Singapore công bố mở lại đường bay Làn xanh Covid (hay Vaccinated Travel Lane) (VTL) với Đức và Brunei cho những người đăng ký di chuyển từ 1/9 tới 7/10 mà không cần phải cách ly y tế, chỉ cần thực hiện xét nghiệm nhanh Covid. Đây là một bước tiến rất lớn trong việc khôi phục lại kinh tế vốn phụ thuộc rất nhiều vào giao thương bên ngoài của Singapore. 

Động lực chính của Singapore trong bước chuyển này? 

Trước hết, với Covid, chính quyền rất linh hoạt trong việc điều chỉnh chiến lược và chiến thuật gần như hàng tuần, hàng ngày. Mục tiêu cao nhất của họ vẫn rất rõ ngay từ đầu, là 1) tối thiểu hoá tỷ lệ tử vong (death rate), kế đến là 2) tối thiểu hoá các ca phải điều trị nặng (ICU rate); 3) tăng tỉ lệ miễn dịch cộng đồng thông qua việc phủ nhanh chóng đủ vắc xin cho toàn dân; còn 4) giảm tối đa số ca nhiễm mới hàng ngày thì tuỳ từng giai đoạn, có lúc họ cũng đặt mục tiêu xét nghiệm nhanh để tìm ra ca dương tính, truy vết với Tracetogether, hay phủ rộng vắc xin. Tuy nhiên với quá nhiều biến chủng diễn biến phức tạp, Singapore đã chọn lọc tập trung ưu tiên vào những gì họ có thể kiểm soát được (3, 2, 1), và chấp nhận "sống chung với Covid". 

Với biến chủng mới alpha, beta, gamma đặc biệt là delta và Mu, và bài học "vỡ toang vì Covid" lan từ Ấn Độ hồi đầu tháng 4/2021 tới Philippines và Indonesia, Thái Lan trong các tháng 4, 5, 6, Singapore có thực hiện nghiên cứu và ra quyết định rất quan trọng cũng như có bước ngoặt mang tính quyết định. Nghiên cứu chỉ ra tác dụng của vắc xin đặc biệt trong giảm tỷ lệ nhập viện (biến chứng nặng hay chuyển sang cấp cứu) và tỷ lệ tử vong, dù chỉ là với một mũi. 

Singapore lập tức đổi hướng thay vì trước đây là cố gắng tiêm đủ hai liều và ưu tiên cho đội ngũ tuyến đầu (đương nhiên rồi), sau đó là người già, người có tiền sử bệnh nền... sang việc phủ mũi đầu sớm nhất cho đông đảo người dân nhất. Đây sẽ là bước rất quan trọng để tránh việc bùng dịch, quá tải và gắng nặng lên lực lượng y tế vốn đã kiệt quệ sau gần một năm rưỡi oằn mình chống dịch.

Ông Lawrence Ong, người đồng chủ trì lực lượng đặc nhiệm đa bộ về Covid-19, đã từng khóc nghẹn ngào trước quốc hội trước khi báo cáo về Covid, không phải bởi kết quả yếu kém, mà bởi ông quá thương cho đội ngũ tuyến đầu y tế, những "quân lính" của mình. 

2. Vậy chính xác Singapore đã làm thế nào?

Từ ngày 26/6, Singapore đặt mục tiêu tăng gấp đôi lên 80.000 liều/ ngày. 

Bộ y tế (MOH) kỳ vọng sẽ bổ sung được 500.000 suất hẹn để mọi người có thể đặt tiêm mũi đầu từ 26/6 tới giữa tháng 7. 

Trong lúc đó họ vẫn tiếp tục thúc đẩy nguồn cung vắc xin và kỳ vọng nếu cung vẫn tới đúng hạn thì đa phần dân số sẵn lòng tiêm vắc xin sẽ nhận được ít nhất một mũi vào nửa sau tháng 7.

Sau khi đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế sau đó sẽ xem xét khoảng thời gian hiện tại giữa các liều từ sáu đến tám tuần và giảm xuống còn bốn tuần, và thực tế khoảng thời gian chờ giữa hai mũi tối thiểu Singapore áp dụng là ba tuần. Các nhà chức trách đã kéo dài khoảng cách giữa các liều để ưu tiên đưa ra liều đầu tiên và dành một số biện pháp bảo vệ cho càng nhiều người trong dân càng tốt. Khi đạt được điều này thì không khó để thu hút người dân đặt lịch tiêm mũi thứ hai. Theo Bộ Y tế việc này cho phép nhiều người hơn hoàn thành việc tiêm chủng với hai liều và nhận được sự bảo vệ tối đa sớm hơn.

Về triển khai, Singapore dùng nhiều biện pháp khuyến khích động viên người dân đặt lịch tiêm chủng.  

Công dân Singapore từ 12 đến 39 tuổi có thời hạn ưu tiên hai tuần tức là tới 1/7 để đặt lịch tiêm. 

Những người có lịch hẹn tiêm vắc xin mũi đầu tiên vào giữa đến cuối tháng 7 được khuyến khích chuyển lịch họp sớm hơn để có thể bảo vệ mình và người thân sớm hơn. 

Những người đủ điều kiện tiêm vắc xin và đã đăng ký tiêm chủng nhưng chưa nhận được thông tin nhận được tin nhắn SMS và đường dẫn được cá nhân hóa để đặt lịch hẹn trong tuần cuối tháng 6.

Từ ngày 2/7, chương trình tiêm chủng được mở rộng cho những người dân còn lại, bao gồm tất cả những người thường trú và những người có giấy thông hành dài hạn ở Singapore từ 12 đến 39 tuổi. 

Trải nghiệm và thủ tục để đặt lịch cho cả hai mũi vô cùng đơn giản, thuận tiện. Đây cũng là một trong những lý do chủ chốt cho việc thành công của chiến dịch phủ vắc xin. 

3. "Trên tay" trải nghiệm người dùng về đăng ký tiêm vắc xin 

Mình xin ghi lại trải nghiệm đăng ký và đi tiêm hai mũi của mình và hi vọng nếu các lãnh đạo Bộ, Sở Y tế hay các tỉnh thành có thể hình dung khi giải bài toán này bằng công nghệ đơn giản thay vì giấy tờ loằng ngoằng thì họ sẽ sớm đạt mục tiêu thế nào?

a. Đăng ký quan tâm (Muốn được tiêm vắc xin)

Khi vào trang web chính thức của Bộ Y Tế Singapore về Vắc xin Covid: https://www.vaccine.gov.sg/, mọi người cũng có thể nhấn vô ngay ở đầu "Registration" và sẽ được dẫn tới trang đăng ký trước việc tiêm vắc xin: https://preregister.vaccine.gov.sg.

Việc đăng ký chỉ mất chưa tới 5 phút với các 5 thông tin cơ bản nhất: Số điện thoại (để nhận được mã xác thực OTP, nhận thông báo, nhắc nhở việc đi tiêm sau đó), Họ và tên người tiêm, Mã định danh (NRIC/ FIN), Ngày tháng năm sinh, và việc mình đăng ký cho ai (cho chính mình hay con cái, ở Việt Nam chắc có thể thêm cho bố, mẹ hoặc ông bà?)


Điều mình rất thích ở đây là Singapore tận dụng thế mạnh của độ phủ thiết bị di động rất lớn và trang này rất thân thiện trên di động, tương tự như cách họ làm TraceTogether (Cùng nhau Truy Vết) hay SafeEntry (theo dõi việc ra vào các địa điểm)

Do dựa trên chủ yếu là số điện thoại xác thực nên họ sẽ yêu cầu xác thực bằng tin nhắn gửi tới số điện thoại (OTP = One time password, mật khẩu một lần), và chỉ chưa tới 5 phút là mình đã hoàn thành xong đăng ký mong muốn được tiêm vắc xin. 


Tới đây mình hình dung các thông tin này sẽ được tổng hợp để phía sau biết được nhu cầu ngay tức thì (real time demand forecasting), và cần thêm bước xác thực mức độ phù hợp để tiêm vắc xin, sau đó cân đối nguồn cung (vắc xin về đủ chưa, loại nào), trước khi gửi tin nhắn với đường dẫn riêng biệt cho người đăng ký đặt lịch tiêm thực sự. 

b. Xác thực việc đủ điều kiện tiêm vắc xin: 

Phần xác thực này hoàn toàn có thể tự động hoá rất nhiều bằng việc đưa vào một số thuật toán. Bài toán lớn đặt ra cho đơn vị triển khai là cần có căn cứ nguồn sự thật chuẩn, ví dụ theo mã số định danh (Chứng minh thư nhân dân số, hay số căn cước công dân điện tử), và hi vọng rằng các thông tin y tế đi kèm theo cũng ở đây (tiền sử bệnh nền, họ có phải F0 không, xét nghiệm ART/ PCR gần nhất, v.v.) hay số liệu ngày sinh để xem họ có đủ 18 tuổi không, v.v. 

Điều thú vị là việc xác thực này cũng là quy trình mà rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác đã triển khai, như KYC EDD của các ngân hàng, fintech, cổng thanh toán, sàn thương mại, bảo hiểm, nhà mạng viễn thông, v.v. nên sẽ rất dễ để có giải pháp làm. 

c. Việc cân đối, quản lý nguồn cung vắc xin 

Đây là bài toán phía trên cần giải, như ngoại giao vắc xin, mua, thương lượng, chuyển giao quy trình sản xuất và tự nghiên cứu sản xuất. Tuy nhiên nếu ứng dụng này được triển khai ở quy mô lớn/ rộng hơn thì trung ương có thể đánh giá được nhu cầu tiêm của từng địa phương, hay các khối ban ngành, v.v. để từ đó cùng với số liệu Covid hiện tại, có thể đưa ra hướng cân đối tiếp theo. 

Ví dụ Sở biết ngày 25/9 có 5 triệu liều về và tỉnh có 1.5 triệu đăng ký với 1 triệu hợp lệ, tỉnh có thể xin được trong đó 800.000 liều, thì sẽ cho phép trước 800.000 này đặt lịch tiêm mũi 1 từ ngày 26/9 (tuỳ theo năng lực tổ chức tại các quận huyện...) Và tỉnh cũng xem được ngay bao nhiêu đăng ký thành công để bố trí tiếp. 

Các ông lớn trong ngành cung ứng, bán lẻ, thương mại điện tử, nhà hàng khách sạn... đã quá quen với các ứng dụng AI, máy học (machine learning, ML) và big data vào bài toán quy trình vận hành Supply Chain Management/ ERP (Enterprise Resource Management) hay Inventory Management và demand forecast nên chỉ cần một tiếng nhờ thì nhiều người sẵn lòng chia sẻ và thậm chí xông vào làm luôn cho các bác. 

d. Người dân đặt lịch tiêm: 

Mỗi người dân được tạo một đường dẫn riêng biệt (unique link/ URL) để đặt lịch tiêm, và rất nhiên sẽ có các quản lý cần thiết để không bị đặt trùng lặp (ví dụ đã đặt liều 1 rồi sẽ không thể đặt thêm liều 1 được). Đường dẫn với mã định danh gắn với số điện thoại nhất định là đủ để đặt lịch tiếp theo. 

Tới phần này thì mình không quay lại được bởi đã tiêm xong rồi, nhưng nhớ lại có một số ấn tượng hay ho trong việc đặt lịch. Khi mình vào chọn mũi đầu, giống như khi đặt vé nghe nhạc, đi ăn, sẽ có các ngày trống và theo các địa điểm, hiển thị theo ưu tiên ngày gần nhất và địa chỉ tiêm gần nhất theo mã bưu điện post code mà mình nhập, bên cạnh mỗi lịch trống sẽ hiển thị ở trung tâm nào tiêm loại gì (Pfizer/ Moderna). Sau khi đặt mũi 1, mình có thể chọn luôn lịch tiêm mũi 2 sau đó 3 tuần hoặc quay lại đặt sau. Cuối cùng, xác nhận lịch sẽ hiển thị và cho phép mình gửi tới email hoặc in ra nếu muốn. Tất nhiên, các xác nhận này sẽ được gửi tới số điện thoại. 

Phía cuối các phần lịch đặt luôn có "Cancel/ Edit" (Hoãn huỷ/ Sửa) để thuận tiện cho mọi người.  

Và đây là các tin nhắn mình nhận được: 

Đường dẫn riêng unique link để đặt lịch booking appointment gửi qua tin nhắn sms Covid registration
Đường dẫn riêng để đặt lịch gửi qua tin nhắn SMS
Xác nhận lịch tiêm vắc xin qua tin nhắn
Nhắc nhở trước lịch tiêm 1-2 ngày 

e. Trải nghiệm đi tiêm 

Với việc tất cả mọi thứ được quản lý điện tử và nhất quán, tới ngày là người dân chỉ việc vác giấy tờ định danh và điện thoại đến điểm đi tiêm. 
Gojek triển khai chương trình tặng 2 cuốc xe miễn phí $15/ chuyến tới cuối 31/8/2021, chỉ cần điểm đi hoặc đến là một trung tâm cộng đồng (community center) có tổ chức tiêm vắc xin nên thực sự còn khuyến khích được nhiều hơn nữa. 
Khi tới nơi thì cũng thực hiện các quy trình kiểm tra ban đầu như bình thường, đảm bảo giãn cách tối thiểu, xác thực một lần nữa qua các giấy tờ, thông tin, rồi được mời vào phòng tiêm và sau đó ra phòng chờ thêm khoảng 30 phút để theo dõi phản ứng phụ sau tiêm. Mình rất ấn tượng với độ hiệu quả của Singapore, gần như chỉ trong 35-40 phút là xong.
Sau thời gian theo dõi, mỗi mã số sẽ được gọi đến bàn để họ in giấy xác nhận trước khi tặng quà (hộp khẩu trang và chai nước rửa tay diệt khuẩn) và ra về.
Vậy là cũng giảm được thời gian viết lách nhập liệu và in giấy. Hơn nữa tất cả các thông số này đã được lưu trữ nên không sợ bị thất lạc, cháy hỏng, mục nát... 

f. Tổng hợp việc tiêm phòng theo thời gian thực

Tới cuối mỗi ngày, khi các trung tâm tiêm "đóng sổ" thì các số liệu cũng sẽ được tổng hợp, cập nhật.  Trạng thái "tiêm phòng vắc xin Covid" sẽ được cập nhật trên ứng dụng TraceTogether của người dân theo mã số định danh của họ. 

4. Bài học cho Việt Nam 

Nếu cho mình một ngày làm lãnh đạo để triển khai việc phủ vắc xin này, ngoài việc đẩy mạnh sáng tạo và làm mọi cách có nhiều vắc xin hơn, mình cũng sẽ tìm các khả năng ứng dụng công nghệ để làm cho trải nghiệm đăng ký và đi tiêm nhẹ nhàng hơn, đồng thời giảm gánh nặng cho đội ngũ triển khai từ cán bộ xã, phường, tổ dân phố đi huy động, kêu gọi, tới những trung tâm tổ chức việc tiêm, tới sau này nhất quán dữ liệu đề điều trị Covid.

Mình sẽ không "chủ quan duy ý chí" và lao đầu vào tự làm từ A tới Z, vì mất nhiều thời gian và có rất nhiều "mảnh" công nghệ trong cả quy trình này có thể tận dụng từ những giải pháp và trí tuệ sẵn có. Chưa kể nhiều ông lớn về cloud (điện toán đám mây) như Google - GCP có Appsheet mà không cần biết code vẫn phát triển được ứng dụng, rồi Google form dưới dạng mã nguồn mở. 

Trên hết, chắc chắn cần có tầm nhìn chiến lược và quyết tâm "chống dịch như chống giặc". Như khi đã ra quyết sách phủ vắc xin, thủ tướng Lý Hiển Long và nhiều quan chức cũng "thông báo" trên Facebook, Linkedin rộng khắp về mục tiêu 2/3 dân số tiêm phòng Covid đầy đủ trước Quốc khánh.

Mình hơi tiếc Quốc khánh Việt Nam qua rồi, không dấu mốc "76% tiêm đầy đủ vắc xin nhân dịp Quốc khánh 76 năm" thật quá đẹp.

Chúc cho các tỉnh vững tâm và quyết chí đánh thắng đại dịch!


Nguồn tham khảo: 

  • Trang web chính thức của Bộ Y Tế Singapore về Vắc xin Covid: https://www.vaccine.gov.sg/
  • Trang đăng ký trước việc tiêm vắc xin: https://preregister.vaccine.gov.sg/
  • Quốc gia nào có tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid-19 nhiều nhất thế giới? https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/quoc-gia-nao-co-ti-le-tiem-vac-xin-covid-19-nhieu-nhat-the-gioi-20210829171012428.htm
  • Thông báo của thủ tướng Lý Hiển Long trên Facebook về mục tiêu 2/3 dân số tiêm phòng Covid đầy đủ trước Quốc khánh: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=4457803820948956&id=125845680811480
  • Science Brief: COVID-19 Vaccines and Vaccination: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/science/science-briefs/fully-vaccinated-people.html

Nhận xét

Bình luận. Vui lòng không spam, không quảng cáo, không công kích cá nhân. Hãy sử dụng từ ngữ phù hợp và đóng góp tích cực!

Archive

Biểu mẫu liên hệ

Gửi