Hackathon cho các sáng kiến đổi mới xã hội từ công nghệ - Social Innovation Hackathon

Singapore Innovation Festival 2018 - Lễ hội/ cuộc thi Hackathon giải pháp sáng tạo xã hội của Singapore 2018
Đầu tháng 9/2018, mình có đi tình nguyện giúp sự kiện Social Innovation Festival Hackathon 2018 (SIF Hackathon) ở Singapore, tạm dịch là Cuộc thi hackathon về các ý tưởng sáng tạo đổi mới cho xã hội. Có rất nhiều thứ thứ vị và mình học được từ sự kiện này và trong lòng lại ngập tràn khao khát có một sự kiện tương tự ở Việt Nam. Có anh chị em bạn bè nào máu tổ chức hoặc muốn làm show truyền hình về nội dung này ở Việt Nam không? Liên hệ với mình nhé! 
Trước khi các ý tưởng kịp biến mất hay bị quên mất, mình muốn ghi lại để chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, format chương trình cho những người có quan tâm hay hoạt động trong các mảng liên quan tham khảo nhé! 

Ý tưởng chung

  • Khuyến khích các bạn trẻ và những người yêu thích công nghệ sử dụng các giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề xã hội nổi cộm. 
  • Thúc đẩy tư duy "giải quyết vấn đề" và khuyến khích "thử nghiệm" hơn là "hướng tới sự toàn vẹn" hay than vãn.
  • Tăng cường các kỹ năng quan trọng trong thời đại số: tư duy phản biện (critical thinking), tư duy thiết kế (design thinking), hợp tác làm việc nhóm, agile, trải nghiệm người dùng, phát triển nguyên mẫu (prototyping), v.v.
  • Khuyến khích việc học và ứng dụng công nghệ mới trực tiếp vào cuộc sống hàng ngày: phân tích dữ liệu (Data analytics), máy học, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud), v.v.

Tại sao Việt Nam cần có những cuộc thi hay sự kiện như thế này? 

Đây là nhận định hoàn toàn mang tính chủ quan của mình nhé! 
  • Các vấn đề xã hội ở Việt Nam rất nhiều và ngày càng nhiều hơn do quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế nông nghiệp sang dịch vụ công nghệ thông tin. Các giải pháp đa phần nằm trong các nhóm nhỏ chuyên về các vấn đề cụ thể (các tổ chức phi chính phủ, từ thiện), chủ yếu xoay quanh việc truyền thông, nâng cao nhận thức, do đó thiếu sự tham gia của những cộng đồng liên quan - những cộng đồng cần giải pháp này. 
  • Công nghệ thông tin ở Việt Nam rất phát triển, với đội ngũ gia nhập lực lượng này và những người có liên quan ngày càng nhiều. Đội ngũ minellials (những người trẻ sinh khoảng 1980-2000) và thế hệ Z (sinh từ 2000 trở lại đây), những người am hiểu và "nghiện" sử dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày càng cao, dẫn tới việc ứng dụng và tiêu dùng các giải pháp công nghệ cũng rất cao. Nếu các giải pháp cho các vấn đề xã  hội được triển khai với nền tảng công nghệ thì khả năng nhân rộng sẽ lớn và hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. 
  • Tinh thần khởi nghiệp không đâu xa mà chính từ việc tìm các giải pháp mới cho các vấn đề cũ, hàng ngày!
  • Chính phủ và các tổ chức xã hội, cộng đồng sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực đầu tư mà đã có sẵn giải pháp do chính các thành viên trong cộng đồng sử dụng - bởi ai mà không dùng sản phẩm do chính mình tạo ra?  
  • Dân mình hay "auto-chửi" quá, và có lẽ xuất phát sâu xa hơn là tư duy "lười", ít chịu tư duy "giải quyết vấn đề" thay vì phàn nàn kêu ca, hoặc chí ít là "thử" một số giải pháp. Cuộc thi này có thể là một bước thay đổi tiềm thức để mọi người bắt đầu tư duy, phân tích và tìm kiếm giải pháp trước khi mở miệng than vãn. 

Mô hình triển khai (Format)

Cuộc thi Hackathon được chia làm 3 phần chính, xuất phát từ (1) Các thách thức, vấn đề xã hội; (2) Xây dựng các ý tưởng để giải quyết; và sau đó là (3) Giải pháp: xây dựng nguyên mẫu hoặc bản thử ban đầu của giải pháp.
Mô hình triển khai (format) hackathon sáng tạo cho các vấn đề xã hội. 

Thách thức, vấn đề

Ban tổ chức SIF Hackathon thu thập, phân tích và tổng hợp lại các vấn đề xã hội từ nhiều nguồn trong đó có các hộ gia đình, các tổ chức xã hội, phi chính phủ hay chính các cộng đồng.

Ý tưởng

Ban tổ chức cũng khuyến khích tất cả mọi người đóng góp các ý tưởng để giải quyết các vấn đề này qua các kênh khác nhau: email, nhắn tin, gọi điện, hòm thư góp ý, chia sẻ trong lễ hội vào ngày 9/9/2018. Và sẽ tốt hơn nữa nếu chính họ tham gia vào cuộc thi Hackathon. 

Giải pháp

Từ các ý tưởng, những người mong muốn đóng góp cho giải pháp có thể đăng ký và tham dự hackathon (36 giờ liên tiếp) để hiện thực hóa các ý tưởng đó thành giải pháp khả thi tối thiểu (MVP - Minimum viable product). Trong thời gian từ khi đưa ra ý tưởng tới cuộc thi hackathon, mọi người vẫn có thể lập nhóm, kết nối để cùng triển khai. 
Ban tổ chức sẽ sàng lọc trước các ý tưởng hay, phù hợp hoặc khả thi (theo tiêu chí của ban giám khảo) để đi tiếp vào vòng hackathon. 
Trong 2 ngày cuối tuần (8-9/9/2018), lễ hội và cuộc thi hackathon diễn ra tại một không gian làm việc chung rất rộng (BASH), nằm trong quần thể nơi có nhiều khởi nghiệp và sáng tạo (JTC Launchpad ở gần MRT One North), với nhiều hoạt động như các bài trình bày, workshop, chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp, mentoring (cố vấn)... 

Chương trình thực tế SIF Hackathon 2018

Khởi động cuộc thi 

Ngày 1/9, trong 2 tiếng, những người tham dự được nghe từ những đối tác là các tổ chức xã hội, cộng đồng, phi chính phủ, trường học, v.v. về các vấn đề thách thức mà cộng đồng đang gặp phải. Đây là cơ hội tốt để ban tổ chức "định hướng" các vấn đề xã hội mà họ ưu tiên giải quyết, giúp cho những người tham dự hiểu được các vấn đề này và đặc biệt là hiểu rõ về những người được hưởng lợi mà họ hướng tới (profile). 
Một thực tế mình thấy là ban tổ chức, ban giám khảo và các mentor (cố vấn) luôn nhắc các nhóm hãy dành thêm thời gian để trực tiếp trò chuyện, trao đổi và hiểu rõ các đối tượng này. Rất nhiều nhóm trong số đó chọn các giải pháp cho chính những người thân quanh họ (ông bà, bố mẹ, bạn bè, em...) 

6 thách thức, vấn đề được ưu tiên giải quyết trong năm 2018 (Challenge Statements) 

6 vấn đề, thách thức xã hội cần được ưu tiên giải quyết trong SIF Hackathon 2018

Hackathon - hiện thực hóa ý tưởng 

Trong vòng 36 tiếng, mọi người có thời gian để đưa ra và bàn bạc các ý tưởng, thống nhất, sau đó hiện thực hóa bằng việc xây dựng nguyên mẫu cho giải pháp.
Trong thời gian 2 ngày cuối tuần này (8-9/9/2018) cũng có nhiều hoạt động học tập, giao lưu, workshop, mentoring (cố vấn) từ cộng đồng doanh nhân, tổ chức xã hội... hiện tại cho các nhóm. Mình đặc biệt thích cách họ tổ chức thành 3 luồng và mời được rất nhiều người "có tiếng" tới để chia sẻ, hướng dẫn, như Govtech, CEO/ nhà sáng lập của các khởi nghiệp như Movinc, Fairmarch, Social Collider, Fundmylife, Green Nudge, Homage, v.v. 

Ban giám khảo 

Có hai nhóm 1) vòng đầu: chọn lọc ý tưởng để "hack" và 2) vòng chung kết (khoảng 10 ý tưởng xuất sắc nhất sau khi hackathon), ban giám khảo sẽ chọn ra 5 ý tưởng được đánh giá là tốt nhất để trao 5.000 SGD cho việc phát triển tiếp thành MVP (sản phẩm khả thi tối thiểu, minimum viable product). Ban giám khảo của vòng đầu đa số cũng là các mentor, có lẽ giống format các cuộc thi truyền hình thực tế "hãy về đội của anh/chị!" và được đào tạo, huấn luyện để phát triển ra các giải pháp để được chọn "pitch"/ trình bày trong vòng chung kết. 
Đội giám khảo của vòng chung kết khá "khủng" như Ông Eng Hwee Lim, CEO của Cơ quan tái phát triển đô thị Singapore' ông Jonathan Chang, giám đốc điều hành của trung tâm Sáng tạo xã hội Lien,  Giám đốc trung tâm nghiên cứu của NUS, CEO/ sáng lập của các tổ chức sáng tạo xã hội, Giám đốc điều hành của một số quỹ đầu tư hay CSR của Microsoft, Citi Group, v.v.
Họ lắng nghe rất chăm chú và trong hầu hết các phần hỏi đáp (Q&A) là các câu hỏi giúp cho các sáng kiến này sâu sắc và hiệu quả hơn - rất là giống với mô hình của Cá mập (Shark Tank)! 
Ban tổ chức hoàn toàn sáng suốt khi lôi kéo sự tham gia của những người này - họ vừa là những nhà đầu tư, lại vừa gắn được các giá trị từ các ý tưởng với chính công việc hàng ngày của họ, vừa giúp họ đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái. Tinh thần tương hỗ, giúp đỡ đó là rất cần thiết để các sáng kiến, khởi nghiệp này phát triển và lớn mạnh. 

Nội dung đào tạo, tập huấn (workshop, bài trình bày, trao đổi nhóm...)
Mình rất ấn tượng với các nội dung được chia sẻ theo hướng thu hút mọi người học và áp dụng ngay các kiến thức được đào tạo trong hackathon này vào việc phát triển giải pháp. 
3 nhóm nội dung đào tạo SIF Hackathon 2018
Có 3 nhóm nội dung chính được chia sẻ: 
Điều mình chợt nhận ra là các công nghệ nghe "hoành tráng" như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, phân tích dữ liệu lớn, v.v. sẽ cần phải được đơn giản hóa tối đa và các ví dụ cần được lựa chọn cho phù hợp với các sáng kiến, mang tính định hướng, hỗ trợ để họ triển khai được. Quả tình nếu Việt Nam làm được điều này thì tiềm năng hiệu quả cho xã hội sẽ là vô cùng lớn! 

Một số sáng kiến được trình bày trong vòng chung kết

Một số sáng kiến đi tới vòng chung kết mà mình ghi nhanh lại:
  • Phần mềm D F: do hai bạn nữ phát triển, tận dụng máy học/ học sâu để có thể chuyển tải ngôn ngữ tay sang giọng nói hoặc chữ viết, hoặc ngược lại. Hiện trên thị trường thiết bị phần cứng có giá $600. Các bạn muốn chuyển nó thành ứng dụng trên máy tính (deskstop app) hoặc trên di động (mobile app) có gắn camera và dự kiến thu phí theo số lượt sử dụng. 
  • Vỉ thuốc cho người già (đúng liều lượng, giờ giấc, có chuông báo): một trong những sáng kiến dành cho các gia đình có người thân bị ốm, đặc biệt là những người lớn tuổi khó tính, ghét uống thuốc hoặc hay quên, không nhớ đã uống hay không. Mình rất ấn tượng là các bạn trình bày với sản phẩm nguyên mẫu từ bìa các-tông và nó hoạt động ngay khi các bạn đưa đơn thuốc vào! Chắc mình cũng cần một cái vì trong khoảng 2 năm gần đây phải uống quá nhiều thuốc trong một ngày! 
  • CareConnect: Đồng hồ thông minh cho người già, có báo động cho người thân bất cứ khi nào có dấu hiệu người đó bị ngã. Các bạn tính toán về chi phí và dự kiến có thể đưa ra sản phẩm với giá $300. 
  • Ứng dụng kết nối người già và người trẻ qua việc dạy nấu các món ăn truyền thống, từ đó giảm việc người già bị cô lập, tăng tương tác với xã hội. Do Singapore là một cộng đồng khá "quốc tế" và đa văn hóa, có nhiều bạn trẻ đang ngày càng quên cách nấu ăn và đặc biệt là các món truyền thống, các bạn trẻ thiết kế ra ứng dụng nền tảng để kết nối với các bạn trẻ muốn học nấu ăn hoặc giao tiếp (chủ yếu là tinh thần tự nguyện), với các cụ cao tuổi đam mê chia sẻ kiến thức. Việc này cần có sự hỗ trợ của con cháu hoặc các tổ chức cộng đồng địa phương, các trại dưỡng lão. Cá nhân mình đánh giá cao ý tưởng này từ trải nghiệm đi tình nguyện giúp các cụ trong trại dưỡng lão nấu ăn, tinh thần của các cụ vui vẻ hơn rõ rệt và việc vận động nấu món ưa thích cũng làm các cụ khỏe hơn! 
Ở Việt Nam hẳn sẽ có nhiều vấn đề thú vị khác và mình rất tò mò háo hức nghe các giải pháp sáng tạo. Nếu anh/chị/ bạn đang đọc tới đây và nung nấu ý tưởng thì liên hệ với Huệ nhé!

Nguồn tham khảo 

Lưu trữ

Biểu mẫu liên hệ

Gửi